Rượu gây hạn chế tiết sữa
Theo kinh nghiệm của người xưa, trước khi cho con bú, người mẹ nên uống 1-2 cốc rượu để sữa về nhiều. Song trên thực tế, chất cồn không tăng cường nguồn sữa, mà trái lại còn gây phản tác dụng.
"Thật phản khoa học nếu khuyên phụ nữ đang cho con bú uống rượu để sữa tiết nhiều", tiến sĩ Julie A. Mennella thuộc Trung tâm Monell Chemical Senses, Philadelphia (Mỹ) nhận định.
Nhiều người cho rằng, chất và lượng của sữa mẹ phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng và tinh thần của người mẹ - trong đó đặc biệt là việc tiêu thụ bia, rượu và các loại nước quả lên men. Lâu nay, nhiều bà đỡ và một số chuyên gia y tế cũng khuyên uống rượu trước khi cho con bú vì cho rằng nó sẽ giúp bé thư giãn và tăng cường hoạt động tiết sữa.
Tuy nhiên trong nghiên cứu của Mennella kéo dài gần 10 năm, rượu không phải là chất tăng cường nguồn sữa mẹ. Người ta đã tìm hiểu ảnh hưởng của chất cồn đối với phản ứng hoóc môn của 17 phụ nữ khỏe mạnh, không hút thuốc và đang cho con bú. Con của họ mới được 2-4 tháng tuổi.
Sau khi uống nước cam có bổ sung rượu, tỷ lệ tương đương với lượng cồn trong 1-2 cốc rượu, số phụ nữ trên đã dùng thiết bị hút sữa bằng điện để kích thích tiết sữa. Nhóm nghiên cứu đã ghi lại lượng thời gian kích thích làm cho giọt sữa đầu tiên chảy xuống, và toàn bộ lượng sữa hút được trong vòng 16 phút.
Thông thường, prolactin và oxytocin - những hoóc môn quan trọng đối với quá trình sản xuất và chảy sữa - xuất hiện khi em bé mút hoặc khi người mẹ dùng bơm. Tuy nhiên, ở những phụ nữ uống rượu, lượng oxytocin giảm tới 78%, trong khi prolactin tăng hơn gấp 3 lần.
Bình thường, những hoóc môn này phối hợp hoạt động, song ở những phụ nữ uống 1-2 cốc rượu, chúng đi "đôi ngả". Lượng sữa tiết ra cũng ít và chảy lâu hơn.
Hậu quả về lâu dài của sự xáo trộn hoóc môn trong sản xuất sữa do rượu vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, sau khi uống một cốc rượu, người mẹ có thể cho con bú an toàn khoảng 2-3 giờ sau đó. Họ không cần phải lo bé sẽ "bú" rượu vì chất cồn không lưu lại trong sữa lâu.
Theo Mỹ Linh – VnExpress