Rượu bổ tùy người

Ngoài chợ, trên phố, trong những nhà giàu có bày những bình rượu rắn, rượu sâm thật đẹp mắt nhưng tác dụng của chúng thì phải tùy người.

Một chuyên gia ngành dược nói: “Người VN vẫn tin “ăn gì bổ đó”. Ví dụ như ăn tim bổ tim, ăn gan bổ gan, các ông yếu “chỗ đó” vào quán cứ tìm món ngầu pín mà xơi! Khái niệm này được gọi là “tạng khí trị liệu” (điều trị bằng các cơ quan bộ phận, yếu đâu ăn đó), nhưng đó chỉ là niềm tin, chúng ta chưa có những nghiên cứu để chứng minh niềm tin này.

 

PGS-TS Nguyễn Nhược Kim, Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ, khuyên: những người tăng huyết áp lại uống rượu ngâm sâm, nhung thì huyết áp vọt lên ngay. Có nguyên tắc: người bệnh xơ gan, tăng huyết áp... thì rượu thuốc cũng không được uống. Uống rượu thuốc phải có mục đích, “rượu có bài”.

 

Ở VN, từng xuất hiện hiện tượng con gì được cho là quí, khó tìm thì khi tìm được đều đem... ngâm rượu! “Tự nhiên đem ngâm rượu bìm bịp, tay gấu, chả thấy ai nói những thứ này bổ cả. Sâm thì phải sâm Cao Ly, còn lại thì chỉ ngâm cho đẹp thôi. Rồi đến tiết rắn, tiết ba ba, mật ba ba... cũng đem pha rượu uống, ốc sên cũng đem ngâm rượu và truyền tụng là bổ. Tôi chịu, không hiểu nổi, trong chương trình dạy và học của chúng tôi không thấy có điều này”, ông Kim than thở.

 

“Rượu thuốc là một dạng bào chế được dạy trong trường dược, không thể tùy tiện ai cũng tự chế biến rượu thuốc”, chủ tịch Hội Dược học Hà Nội Nguyễn Vân Đình nói.

 

Tránh trả lời về chất lượng rượu thuốc trên thị trường, ông Đình nói nhiều về chất lượng dược liệu để... chế biến rượu thuốc. “Cách đây hai năm, chúng tôi đã từng công bố một kết quả kiểm nghiệm phát hiện sáu mẫu dược liệu không có hoạt chất, trong đó có ba kích, hoàng kỳ. Gần đây, Hà Nội và TPHCM lại phát hiện dược liệu nhân sâm, hoàng kỳ không hoạt chất tương tự như thế này” - ông Đình cho biết.

 

Một phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết ngay tại đại bản doanh “rượu thuốc” Hà Nội là phố kinh doanh thuốc bắc Lãn Ông, vẫn có rất nhiều mặt hàng không xác định được chất lượng, ghi nhãn không đầy đủ hoặc ghi thêm vào các tác dụng chưa được kiểm chứng.

 

Kiểm tra ngay tại Lạng Sơn, thanh tra Bộ Y tế cũng phát hiện những củ sâm tươi to bằng bắp chân, giá chỉ... 20.000 đồng, củ sâm khô vàng đẹp, to bằng ngón chân cái, đủ cả rễ râu cũng chỉ 5.000đ... Với những nguyên liệu như thế này, chắc hẳn bạn cũng thấy khó xác định rượu thuốc quí giá đến cỡ nào!

 

“Tôi không biết uống sống tiết rắn, mật ba ba, tiết ba ba pha rượu thì tác dụng thế nào vì... chưa ai nghiên cứu. Theo kinh nghiệm truyền thống, cao hổ cốt thật có tác dụng với bệnh khớp, rượu rắn có tác dụng với bệnh phong thấp. Tam thất có chỉ định cho phụ nữ sau sinh hay người bệnh sau xạ trị hóa trị, không loại nào là thần dược và ai cũng có thể uống tùy tiện”, ông Kim khuyên.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ