1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rước họa khi tự ý sử dụng thuốc Nam

Bị mẩn ngứa, coi đó là bệnh xoàng, ngại đi khám, dùng thuốc Nam vừa lành vừa hiệu quả lại đỡ tốn kém, kết quả là chợt loét da toàn thân, khắp người xuất hiện các bọng nước kèm theo rỉ dịch, có thể dẫn đến rối loạn nước điện giải, suy gan, thận, thậm chí tử vong.

Đây là tình trạng các ca bệnh liên tiếp nhập viện đầu tháng 10 vừa qua tại Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương mà y học gọi là hội chứng Lyell do nhiễm độc thuốc Nam.

 

Hội chứng Lyell là thể bệnh đặc biệt nghiêm trọng của nhiễm độc da do dị ứng thuốc. Ðây là tình trạng hoại tử thượng bì tối cấp và có tổn thương nhiều phủ tạng. Tổn thương da là những hồng ban, bọng nước, tiếp theo có hiện tượng chợt loét toàn thân để lại các rỉ dịch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh nhân sẽ bị rối loạn nước điện giải, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi dẫn đến tử vong.

 

Nguy hại khi dùng thuốc Nam

 

Trường hợp điển hình là bệnh nhân (BN) Võ Văn H. 45 tuổi (xóm Cậy, xã Huống Thượng - huyện Đồng Hỷ - Thái Nguyên). Anh H. thấy người lác đác xuất hiện những mảng mẩn ngứa, cho đó là triệu chứng rất bình thường, anh không hề nghĩ đến việc đi BV để khám và uống thuốc theo đơn của bác sĩ vì sợ tốn kém. Anh đến ngay nhà một thầy lang mua liều thuốc 50 ngàn đồng, vừa bôi lên da vừa uống cho nhanh khỏi.

 

Theo thầy lang, chỉ dùng thuốc 1 hoặc 2 lần là sẽ hết mẩn ngứa. Nhưng chỉ một ngày sau khi dùng thuốc, ngứa không những không giảm mà còn tăng, khắp người xuất hiện ban đỏ. Sau 3 ngày liên tiếp dùng thuốc, anh bị sốt, da toàn thân bị chợt rất đau rát, khiến người đỏ như một con tôm luộc. Trên da có các bọng nước từ 2 - 3cm có chỗ 5 - 6cm với mật độ dày, một số bọng nước vỡ để lại vết chợt rỉ dịch có mùi tanh. Khi được đưa vào BV Da liễu Trung ương, gia đình anh H. thậm chí còn nghĩ anh khó lòng qua nổi. Cuối cùng chỉ vì ngại, tiếc tiền đi viện mà anh H. đã phải tốn hơn cả chục triệu đồng để điều trị di họa của thuốc Nam. May mắn, đến nay anh H. đã được xuất viện và khỏi bệnh.

 

Trường hợp thứ hai là chị Nguyễn Thị H. (Quảng Ninh) vừa nhập Bệnh viện Da liễu Trung ương được vài ngày trong tình trạng toàn thân ban đỏ, da chợt xước, có các bọng nước. Chị cho biết, trước khi nhập viện, do có triệu chứng mẩn ngứa nên đã mua liều thuốc Nam chỉ 40 ngàn về uống và bôi. Bà con quanh vùng nhà chị thường dùng loại thuốc này mà không ai bị sao. Nhưng cho đến giờ chị vẫn băn khoăn không hiểu tại sao mình lại bị nặng như thế này dù chỉ sau có 2 ngày dùng.

 

Da toàn thân bệnh nhân H. bị chợt loét, rỉ dịch khi nhập viện

Da toàn thân bệnh nhân H. bị chợt loét, rỉ dịch khi nhập viện

 

Hướng xử trí

 

PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết: Việc điều trị cho BN Võ Văn H. mất hơn nửa tháng và mất 3 tuần để da toàn thân BN trở lại như bình thường. BN được dùng thuốc chống dị ứng solumeron 2 - 3mg/kg/ngày, histamin, truyền dịch, kháng sinh toàn thân và tại chỗ; đặc biệt kháng sinh toàn thân là rất quan trọng để tránh bị nhiễm khuẩn huyết. Những vùng da rỉ dịch cho đắp Jarish, bôi mỡ kháng sinh.

 

BS. Phạm Thị Thảo, người trực tiếp điều trị cho BN H. cho biết thêm: Điều trị BN mắc hội chứng Lyell, trước đây, BN nằm giường rải bột table để bột thấm hút các chất dịch nhưng rất dễ gây dính bết, vệ sinh khó. Mỗi khi thay đổi tư thế nằm BN rất đau đớn, có khi bị lột cả mảng da trên lưng. Nhưng hiện nay, do đắp gạc Urgotul có hỗn dịch giữ ẩm, thông thoáng, chống dính nên mỗi lần làm vệ sinh hoặc trở mình BN đỡ đau hơn và không bị chợt da nữa.

 

Thuốc Nam không nên dùng tùy tiện

 
Anh H. Sau khi điều trị

Anh H. Sau khi điều trị

Theo PGS.TS. Trần Hậu Khang, việc tự ý dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc sẽ mang lại những tổn hại không nhỏ đến sức khỏe (có thể bị chợt loét toàn bộ da, rỉ dịch, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn máu, tổn thương da toàn bộ cơ thể, suy gan, thận) thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân may mắn được cấp cứu kịp thời thì cũng phải mất khá nhiều thời gian điều trị và chi phí là không nhỏ. Thuốc Nam tuy được coi là lành tính nhưng nếu sử dụng không đúng sẽ gây hậu quả khôn lường, nhất là với một số người, do cơ thể không thích ứng với các thành phần của thuốc sẽ gây ra phản ứng.

 

Hơn nữa, thuốc Nam có nhiều loại không được kiểm nghiệm nguồn gốc. Đặc biệt trong quá trình trồng các cây thuốc Nam, người ta đã phun các loại hóa chất để kích thích hoặc thuốc trừ sâu. Hoặc trong quá trình bảo quản để tránh mốc và hong thuốc nhanh khô, người ta đã phun hóa chất lên thuốc. Và đây là nguyên nhân khiến cho rất nhiều BN nhập viện vì bị ngộ độc các loại hóa chất này. Khi thấy có triệu chứng mẩn ngứa, tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế hoặc BV để khám chữa bệnh và tuân thủ theo chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ, tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc.

 

Theo Thanh Loan

Sức khỏe & Đời sống

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm