Rủ nhau làm đẹp bằng... máu

Gần đây, nhiều chị em rỉ tai nhau cách làm đẹp bằng cách lấy huyết tương tiêm lên mặt. Đây là một phương pháp mới du nhập nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Không khó để tìm được một thẩm mỹ viện có dịch vụ làm đẹp bằng máu của chính mình tại TP.HCM. Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “Làm đẹp với/bằng huyết tương” là có gần một triệu kết quả, trong đó không ít quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ.

Đắt nhưng đẹp?

Chiều 18-11, chúng tôi liên hệ với thẩm mỹ viện TGĐ (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) để tìm hiểu loại hình thẩm mỹ lạ này. Khi biết khách hàng có nhu cầu làm mịn, căng da mặt, nhân viên tên Hoa Thơ lập tức mời chúng tôi vào phòng tư vấn. Tại đây, Thơ cùng một nhân viên khác liên tục chào mời phương pháp tiêm huyết tương rất hiệu quả. Tuy nhiên, trị liệu bằng cách này khá đắt và có nhiều mức giá khác nhau: 16 triệu đồng làm một lần, 22 triệu đồng hai lần, còn 65 triệu đồng thì “bảo hành” một năm, khoảng 2-3 tháng đến trị liệu một lần. Hoa Thơ cho biết đây là phương pháp mới và nổi tiếng từ nước ngoài đưa về, độ an toàn và tin cậy 100%, không có tác dụng phụ và nhất là không chống chỉ định.

Theo Thơ, đây là công nghệ làm đẹp nhờ “huyết tương giàu tiểu cầu” (Platelet Rich Plasma - PRP). Khi dùng phương pháp này, khách hàng sẽ được nhân viên thẩm mỹ lấy khoảng 30 ml máu. Sau đó, máu sẽ được xử lý bằng thiết bị ly tâm để được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3-7 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000-400.000 tiểu cầu/ml). Tùy vào loại da mặt, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ như kim chích, kim lăn (roller) hay cây bút để đưa máu vào mặt khách hàng. Có trường hợp kỹ thuật viên sử dụng cây bút chứa 25 đầu kim nhỏ để đưa huyết tương tiểu cầu vào toàn bộ khuôn mặt.

Rủ nhau làm đẹp bằng... máu - 1

 

Một khách hàng đang trong quá trình tiêm huyết tương lên mặt. (Ảnh do khách hàng cung cấp)

 

Thông qua người quen, chúng tôi gặp chị Đào Thị Thảo (25 tuổi, quê Kiên Giang), đã từng bốn lần “trị liệu” bằng phương pháp PRP tại thẩm mỹ viện SS Spa trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Chị Thảo cho biết đã bỏ ra gần 57 triệu đồng cho bốn lần “bơm máu” để xóa đi hơn 80% sẹo lõm trên mặt. Theo chị, mặt giờ nhìn khác hẳn ngày xưa và chị sẽ điều trị tiếp để 100% vết sẹo lõm bị biến mất (?).

Vừa bỏ ra hơn 38 triệu đồng trẻ hóa gương mặt, chị Nguyễn Ngọc Thư (Thanh Đa, Bình Thạnh), nhân viên bất động sản, cho hay sau khi đọc quảng cáo trên mạng, chị tìm đến thẩm mỹ A. Beauty (đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10). “Tôi chỉ mới trải qua một liệu trình PRP kéo dài 25 phút, cảm giác bơm máu vào mặt khá đau nhưng sau ba ngày là mọi thứ trở lại bình thường, da mịn hơn so với trước” - chị Thư nói.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình-Thẩm mỹ của BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết máu sau khi được ly tâm sẽ tạo ra tiểu cầu, bạch cầu và huyết tương. Phần được sử dụng trong phương pháp làm đẹp PRP chính là huyết tương nhiều tiểu cầu. Nhân viên thẩm mỹ sẽ dùng dụng cụ để tạo những vết lõm nông sâu nhất định trên khuôn mặt nhằm giúp huyết tương thấm sâu hơn dưới bề mặt da. Quy trình lăn kim sẽ gây thủng da, chảy máu, theo đó tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng cao. “Đó là chưa kể quá trình lăn kim sẽ tác động cả vào những mô lành trên da, có nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan siêu vi B, C, HIV… nếu dụng cụ lăn kim không được sát trùng kỹ” - ông Tuấn cảnh báo.

Mặt khác, trong quá trình đưa huyết tương vào dưới da có thể các bác sĩ sẽ trộn thêm một số loại vitamin, collagen,… làm biến đổi tính chất của huyết tương, dẫn đến nguy cơ dị ứng, tác dụng xấu thêm cho da.

Về vấn đề này, BS CK2 Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu-Huyết học TP.HCM, cho biết: “Hiện chưa có công trình nghiên cứu, báo cáo chính thức, khách quan nào về phương pháp làm đẹp bằng PRP này và chưa ai có thể chứng minh được mức độ hiệu quả và an toàn của nó”.

Chưa được cấp phép

Phương pháp PRP không có trong danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế nên chưa có cơ sở y tế nào được phép làm. Dùng huyết thanh tiêm vào da là một hành vi khám, chữa bệnh, nên nếu cơ sở đã có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh thì bị xử phạt hành vi vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, còn nếu không có giấy phép hoạt động thì bị xử phạt về hành vi khám, chữa bệnh không phép. Cả hai hành vi này đều bị xử phạt 50-70 triệu đồng, nếu là tổ chức thì mức xử phạt sẽ gấp đôi. Người dân không nên sử dụng phương pháp làm đẹp này vì nó chưa được Bộ Y tế cấp phép. Thanh tra Sở sẽ kiểm tra, nhắc nhở và sẽ xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

TS. BS Bùi Minh Trạng

Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM