Robot phẫu thuật cứu người mẹ mang song thai nhiễm trùng đường mật
(Dân trí) - Đang mang song thai 17 tuần tuổi, người mẹ phải nhập viện vì đau bụng dữ dội, nôn ói ra dịch vàng. Sau chẩn đoán người bệnh bị nhiễm trùng đường mật các bác sĩ đã dùng robot phẫu thuật khẩn giúp thai phụ thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng đe dọa tính mạng.
Ngày 28/11, PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, TPHCM cho hay, tại đây vừa thực hiện phẫu thuật robot khẩn cấp cho thai phụ N.T.T (40 tuổi, ngụ tại TPHCM). Bệnh nhân đang mang song thai ở tuần 17, được gia đình chuyển đến cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị kèm nôn ói dịch vàng liên tục.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ đây là trường hợp nhiễm trùng đường mật trên người bệnh có sỏi ống mật chủ và sỏi túi mật. Kết quả kiểm tra hình ảnh cho thấy ống mật chủ người bệnh có sỏi với kích thước khoảng 6mm, bên trong túi mật chứa nhiều sỏi, viên sỏi có kích thước 20x36mm kẹt ở cổ túi mật khiến vách túi mật phù nề, đường mật trong và ngoài gan giãn, ứ đọng dịch mật. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy người bệnh có tình trạng nhiễm trùng nguy cơ diễn tiến viêm tụy cấp.
Trước nguy cơ sốc nhiễm trùng, viêm phúc mạc đe dọa tính mạng thai phụ và thai nhi, các bác sĩ khoa Gan-Mật-Tụy đã hội chẩn khẩn với Bệnh viện Từ Dũ tìm phương pháp điều trị tối ưu cho mẹ con bệnh nhân. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định sử dụng robot phẫu thuật khẩn cho người bệnh.
Sau hơn 2 tiếng khẩn trương ê-kíp phẫu thuật đã loại bỏ túi mật khoảng 10cm bị viêm cấp, phù nề (thông thường túi mật chỉ khoảng 4cm). Các bác sĩ đã dùng dụng cụ bắt sỏi qua nội soi ống mềm lấy sỏi tại đoạn cuối ống mật chủ ra ngoài, ống mật chủ được khâu kín. Trong và sau phẫu thuật tình trạng sức khỏe của cả người mẹ và cặp song thai được theo dõi sát, các chỉ số sinh hiệu ổn định.
BS.CKII Lê Hữu Phước, Trưởng khoa Gan-Mật-Tuỵ chia sẻ, sự hỗ trợ của robot phẫu thuật đã tạo thuận lợi cho chúng tôi thực hiện các thao tác kẹp, giữ các tạng trong ổ bụng, cắt lọc mô bệnh, thám sát hiệu quả đường mật trong và ngoài gan đồng thời khâu kín được ống mật chủ. Sau phẫu thuật, người bệnh không cần mang ống dẫn lưu đường mật như thực hiện mổ mở hoặc nội soi thông thường, nhờ đó khi thai nhi lớn dần thai phụ sẽ tránh bị chèn ép, di lệch ống dẫn lưu, thoát nguy cơ biến chứng nguy hiểm trong trường hợp tuột ống khiến dịch mật tràn vào khoang bụng.
Ngày 28/11 (sau 2 ngày phẫu thuật) người bệnh đã đi lại và ăn uống ngon miệng. Kết quả siêu âm tại giường cho thấy sức khỏe thai nhi ổn định. Trên giường bệnh thai phụ cho biết, chị bắt đầu cảm thấy khó chịu, chướng bụng, khó tiêu trước nhập viện nhiều ngày. Tuy nhiên chị cho rằng tình trạng trên là ảnh hưởng của thai kỳ nên âm thầm chịu đựng cho đến khi những cơn đau quằn quại hành hạ buộc chị phải nhập viện cấp cứu trong đêm.
Từ trường hợp trên, BS Hữu Phước khuyến cáo: “Phụ nữ khi chuẩn bị có con nên thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát, đánh giá chức năng gan, đường mật để phát hiện sớm tình trạng sỏi ống mật chủ hay sỏi túi mật. Nếu được tầm soát, phát hiện, điều trị kịp thời người bệnh tránh được các nguy cơ buộc phải can thiệp phẫu thuật trong thai kỳ, tránh nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và bé”.
Vân Sơn