1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rình rập nguy hiểm công việc cấp cứu ngoại viện

Nhân viên y tế bị chửi, rượt đuổi, bị đánh... tại phòng cấp cứu không mới. Tại phòng cấp cứu đã nguy hiểm như thế nhưng với ở vị trí ngoài bệnh viện, nhân viên y tế còn gặp nguy hiểm hơn vạn lần.

 

Rình rập nguy hiểm công việc cấp cứu ngoại viện  - 1

Áp lực quá tải tại phòng cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy
 

Đánh cược cả tính mạng

 

Khác với các BS làm việc tại phòng cấp cứu có máy móc, nhiều đồng nghiệp hỗ trợ, BS cấp cứu ngoại viện phải tự thân vận động ngoài hiện trường...; nghĩa là có gì dùng đó, miễn sao cứu người bệnh là được. TS-BS Đỗ Quốc Huy, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu TPHCM, cho biết, bị đánh, bị đuổi, bị chửi mắng, cầm dao gí vào các BS cấp cứu theo xe của đường dây nóng 115 là chuyện... rất đỗi bình thường.

 

Có những tai nạn như sập công trình xây dựng, cháy nổ..., nạn nhân mắc kẹt ở trong đống đổ nát. Ở các nước thì các BS thường đứng phía ngoài chờ đội cứu hộ có bảo hộ, nghiệp vụ đưa nạn nhân ra để tiến hành cấp cứu. Còn ở VN, nhiều lúc các BS tay không phải vào tận hiện trường của những vụ sập đổ để cấp cứu nạn nhân; thậm chí... dám liều đánh cược cả tính mạng của mình khi trong tay không có bất kỳ công cụ hỗ trợ nào.

 

BS Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện của đường dây nóng 115, cho rằng, biết là hiểm nguy nhưng anh em vẫn phải làm. Các BS cấp cứu ngoại viện cũng hiểu và thông cảm với người nhà. Nhưng nhiều thân nhân không hiểu, vì thế khi tiếp nhận thông tin, các BS sợ nhất là vị trí trong hẻm sâu, đường nhỏ, số nhà không đồng nhất, không số, đoạn đường dài ngắn, kẹt xe, lô cốt. Nhiều khi xe vừa đến nơi thì bệnh nhân đã tử vong, người nhà cầm dao xông đến đòi “xử” BS. Gặp trường hợp này thì các BS chỉ biết nhanh chóng “tẩu vi thượng sách”.

 

Theo thống kê, tại TPHCM, lực lượng cấp cứu ngoại viện hiện đang rất mỏng, chỉ có 44 BS gồm của BV Trưng Vương và 24 BS của 24 quận, huyện phục vụ cho gần 10 triệu dân. Trong khi đó, diện tích của TP rất lớn với 2.095km2; vì thế, 44 BS để bao hết các quận, huyện là điều không tưởng. Đó là chưa kể đến, việc đào đường kéo dài đằng đẵng và ì ạch nhiều năm trên nhiều tuyến huyết mạch; chính vì điều này khiến việc cấp cứu chậm trễ, dẫn đến mâu thuẫn giữa thân nhân người bệnh và các BS đến hiện trường cấp cứu chắc chắn dễ xảy ra.

 

Bị hành hung ngay tại… sân nhà

 

Theo lãnh đạo BV Nhi Đồng 1, mới đây, các BS khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng nặng và tiên liệu không qua khỏi. Tuy nhiên, sau khi trẻ bị tử vong, gia đình cho rằng các BS không làm tròn trách nhiệm và huy động mọi người kéo vào túm cổ áo BS phó khoa đang trực để thóa mạ. Những người khác thì rượt đánh các nhân viên, điều dưỡng làm cả khu vực khoa náo loạn. Sau khi công an đến can thiệp, các BS, điều dưỡng mới “hoàn hồn”...

 

BS Nguyễn Ngọc Trúc Khanh, khoa Cấp cứu BV Trưng Vương, TPHCM, cũng là một nạn nhân mới đây, khi bị người nhà bệnh nhân đuổi chạy quanh phòng cấp cứu và sau đó phải trốn vào phòng làm việc của các BS nam thì người nhà mới buông tha.

 

Còn tại BV Chợ Rẫy, việc BS bị đe dọa, chửi bới vẫn xảy ra thường xuyên. Cách nay 1 tháng, một BS nữ gặp phải tình cảnh thót tim khi người nhà bệnh nhân dẫn theo một số thanh niên xăm chi chít trên mình đòi “xử” đẹp và ép phải bồi thường 200 triệu đồng, vì cho rằng BS này đã làm cho người nhà bị bệnh nặng. Trước đó, BS này đã kê toa cho bệnh nhân; tuy nhiên, sau một tháng, bệnh không giảm mà trở nặng. BS này sau giờ làm việc không dám bước ra khỏi phòng, mà phải nhờ bảo vệ BV dẫn theo cửa hậu để trốn về nhà.

 

Trả lời với phóng viên, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định: Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2011, quy định rất rõ người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề; chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trong môi trường BV, bệnh nhân và người nhà phải có trách nhiệm tuân thủ nội quy trong BV, như không được gây gổ, nói to...

 

Quy định là thế, tuy nhiên, trên thực tế việc nhân viên y tế bị hành hung vẫn liên tiếp diễn ra. Nổi cộm nhất là vụ BS Giàu bị đâm tử vong ở Thái Bình, vụ “giang hồ” đại náo BV Việt Tiệp ngày 19/4/2011, vụ nhóm côn đồ tấn công BV Đa khoa Cà Mau vào cuối năm 2010, nhóm thanh niên say rượu đại náo BV Quảng Ngãi vào ngày 30/7 vừa qua...

 

Để bảo vệ cho các nhân viên y tế, TS Khuê cho biết, nhiệm vụ của người thầy thuốc là khám - chữa bệnh, nên không thể lập hàng rào sắt hay trang bị áo giáp để bảo vệ họ... Tuy nhiên, đã có những BV ký hợp đồng thuê các Cty vệ sĩ chuyên nghiệp để bảo vệ. Ngành y tế cũng đang xây dựng quy định về tài chính y tế, trong đó sẽ bổ sung những quy định mới, như bảo hiểm cho cán bộ y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ.

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, mấu chốt của các vụ ẩu đả, mâu thuẫn xảy ra phát xuất từ nhiều nguyên nhân mà theo TS Lý Ngọc Kính, câu chuyện y đức và văn hóa ứng xử của cán bộ ngành y cũng có thể là căn nguyên của những vụ y, BS bị hành hung, bởi hầu hết những phản ánh mà Bộ Y tế nhận được đều liên quan đến thái độ giao tiếp, ứng xử của họ với người bệnh.   

 

Theo Võ Tuấn

Lao động