1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Rau sam kháng khuẩn, trị giun

Rau sam có tên Hán là mã sĩ hiện (rau răng ngựa vì có lá hình giống răng ngựa) và nhiều tên khác như trường thọ thái (rau trường thọ). Tên khoa học là Portalaca oleacea L. Có 2 loại thân màu tím thẫm và nhạt (loại thẫm dùng làm thuốc tốt hơn).

Rau sam là loại rau giàu chất dinh dưỡng, chất lượng thay đổi tùy nơi mọc và mùa thu hái. Trong 100g rau sam có 1,4g đạm, 3g đường, 100mg chất béo, 700mg chất xơ, 85g canxi, 56mg photpho, 1,5mg sắt, 68mg magiê, 494mg kali, 1.920 UI caroten... và một số vitamin B1, B2, PP, C, E. Các axit béo đặc biệt là omega 3 với tỷ lệ cao nhất so với các thực vật khác. Các axit hữu cơ như axit glutamic, axit nicotinic, axit malic... Còn chứa các chất noradrenalin, dopamin, flavonoid.

 

Tác dụng kháng khuẩn

 

Nước cốt và nước sắc trị khuẩn shigella gây lỵ trực khuẩn nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó bị kháng lại, trị khuẩn salmonella typhi gây bệnh thương hàn, trị tụ cầu gây nhọt ngoài da...; diệt nấm, diệt ký sinh trùng đường ruột: giun móc, giun kim, giun đũa.

 

Đối với giun móc, thử trên hàng trăm bệnh nhân, sau 1 tháng phân của 80% bệnh nhân hết trứng giun móc. Với giun kim, giun đũa sau khi ăn 200g rau sam tươi (nhai kỹ) có kết quả tẩy rất tốt. Ăn được vài ngày liên tục kết quả càng cao. Đối với lỵ trực trùng, rau sam đã chứng tỏ có hiệu quả cao trên phòng và chữa bệnh.

 

Rau sam làm vững chắc thành mạch chống chảy máu, giãn cơ bộ máy tiết niệu làm lợi tiểu (cùng tác dụng của kali) chống cơn co thắt gây đau đớn, chú ý rau sam gây co bóp tử cung nên không được dùng nước ép rau sam cho người có thai.

 

- Tác dụng trên xương khớp để chống viêm, cộng thêm tác dụng lợi tiểu nên có thể áp dụng cả trên bệnh thống phong (gút).

 

- Rau sam chứa nhiều vitamin A, C, E tất yếu có tác dụng khử gốc tự do, chống ôxy hóa chống lão hóa, chống ung thư, nhưng chỉ mới thấy ghi nhận có tên gọi của rau sam là Trường thọ thái trong Đông y.

 

Làm thuốc

 

Theo Đông y, rau sam vị chua tính lạnh, vào kinh tâm và đại tràng. Có tài liệu ghi vào can và đại tràng. Không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi tiểu, giảm đau.

 

Trong danh mục những cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới ghi rau sam dùng chữa thấp khớp, phụ khoa, giảm đau, lợi tiểu, trợ tim, hạ sốt cao, trị giun kim, kích thích tiết mật, hạ đường huyết, làm thuốc bổ dưỡng. Dùng ngoài chữa chàm, mụn nhọt lở loét...

 

Để làm thuốc, chọn loại đỏ, to, lấy toàn cây (bỏ rễ) dạng tươi, hoặc khô. Sau đây là một số bài thuốc có rau sam để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.

 

Trẻ em đi lỵ: Rau sam tươi giã nát, vắt nước cốt đun sôi. Có thể cho ít mật dễ uống.

 

Phụ nữ bị bạch đới: 30ml nước cốt rau sam + 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều đun sôi để uống.

 

Sốt phát ban, nổi mẩn: Nước cốt rau sam uống sống, bã xoa lên người.

 

Lậu nhiệt đái rắt, đái buốt đỏ sẻn: Nước rau sam sống giã uống.

 

Ngộ độc thuốc: Rau sam tươi giã lấy nước uống, bã đắp vào rốn.

 

Kiết lỵ ra máu: Rau sam 200g, thái nhỏ, nấu với 100g gạo nếp thành cháo (không cho muối) ăn lúc đói.

 

Lỵ cấp và mạn: 1kg rau sam nấu với 3 lít nước lọc còn 1 lít. Người lớn uống 3 lần/ngày, mỗi lần 700ml (dùng trong bệnh viện).

 

Hậu sản tiểu tiện không thông: Rau sam tươi 100g, giã vắt lấy nước 30ml đun sôi hoặc cách thủy. Thêm 10g mật ong để uống.

 

Hậu sản ra huyết: Rau sam tươi 200g hoặc khô 60g. Sắc uống chia 2 lần/ngày.

 

Tẩy giun móc: Rau sam tươi 300g giã vắt lấy nước nấu lên thêm ít muối hoặc đường. Ngày uống 2 lần khi đói, liền 3 ngày là 1 liệu trình. Uống 1-3 liệu trình.

 

Môi, miệng lở loét: Nước cốt rau sam hoặc rau sam sắc đặc bôi.

 

Đau răng: Nước cốt tươi hoặc sắc đặc ngậm súc miệng.

 

Bỏng: Rau sam khô tán bột trộn mật ong bôi lên.

 

Mụn nhọt lâu ngày không khỏi: Rau sam tươi giã đắp lên.

 

Nấm tóc, nấm chân, chốc đầu: Rau sam nấu thành cao bôi lên chỗ tổn thương hoặc rau sam khô đốt thành than để rắc lên.

 

Ho gà (ho bách nhật): Rau sam 100g, đun sôi với 200ml nước thêm 30g đường phèn đun tiếp còn 100ml chia uống 3 ngày, mỗi ngày 3 lần. Uống 3 ngày bệnh giảm 50%. Uống tiếp 3 ngày thì có thể đỡ nhiều và khỏe.

 

Ho ra máu: Uống nước cốt (vắt tươi) hoặc nấu đặc uống, hằng ngày ăn rau sam nấu nhiều kiểu (sống, luộc, xào, canh) cho đến khi khỏi. Nếu do lao phải kết hợp thuốc chống lao theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa lao.

 

Ngứa âm đạo: Rau sam tươi hoặc khô sắc nước ngâm rửa.

 

Trĩ: Rau sam tươi nấu ăn, nước để xông và ngâm. Làm hằng ngày trong 1 tháng. Chữa càng sớm càng chóng khỏi.

 

Côn trùng, rắn rết cắn: Giã rau sam lấy nước cốt uống ngay và bã đắp lên chỗ bị cắn (kể cả trường hợp đụng phải sâu róm, giời leo, ong muỗi đốt...).  Rau sam chỉ dùng để sơ cứu và hỗ trợ, sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

 

Ung thư (K): Trung Quốc đã dùng rau sam trong điều trị nhiều loại ung thư (K).

 

K thực quản: Rau sam tươi 30g nấu chín nhừ, một ít bột đậu nành nấu cháo, thêm mật ong. Ăn hằng ngày.

 

K đại tràng: Rau sam 20g, bại tương thảo 20g, khổ sâm 20g, thổ phục linh 20g, bạch thược 20g, kê nội kim 20g, hoàng liên 8g, hồng đằng 12g, tam lăng 10g, huyền hồ 10g, xuyên hậu phác 10g, xạ hương 4g, cam thảo 6g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

 

K trực tràng: Rau sam 10g, hoa mào gà 30g, sắc uống ngày 1 thang.

 

Bạch cầu cấp: Rau sam 30g, a giao 16g, bạch chỉ 12g, hà thủ ô 16g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

 

Ngoài ra rau sam còn được ghi dùng chữa một số bệnh ở mắt, viêm gan vàng da (+ rau má), lao phổi (+ tỏi)... Y học cổ truyền Ấn Độ dùng rau sam để chữa gầy còm, bệnh ở gan, tụy, thận. Lá dùng chữa sốt nhức đầu. Hạt chữa kiết lỵ.

 

Theo tài liệu của Võ Văn Chi, rau sam còn có tác dụng an thần gây ngủ, làm tăng đông máu. Nấu rau sam với lươn chữa gầy còm, thiếu máu, da khô, sốt rét kinh niên, tê đau xương khớp, đau lưng.

 

Theo Phó Thuần Hương

Sức khỏe & Đời sống

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm