TPHCM:

Rập rình nguy cơ vỡ “kịch bản” Bảo hiểm Y tế toàn dân

(Dân trí) - Các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Bảo hiểm Y tế (BHYT); đối xử chưa bình đẳng với các đối tượng khám dịch vụ... là 2 trong số những nguyên nhân khiến nguy cơ vỡ kịch bản BHYT toàn dân hiện hữu.

Cảnh chen lấn nhận thuốc BHYT tại bệnh viện Chợ Rẫy
Cảnh chen lấn nhận thuốc BHYT tại bệnh viện Chợ Rẫy

Đại diện UBND thành phố cho biết, đến hết năm 2012, trên địa bàn có hơn 4,6 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 63% dân số. Hiện thành phố có 1,4 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1,7 triệu người lao động tham gia BHYT. Để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố đã cấp hơn 246.500 thẻ BHYT hỗ trợ cho đối tượng chính sách, xã hội với số tiền 351 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó có khoảng 40% thẻ cho các hộ cận nghèo. Tuy nhiên, hiện chỉ 85% số trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT và mức bao phủ chính sách của BHYT còn thấp.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội cho thấy, phần lớn người tham gia BHYT tự nguyện ở thời điểm hiện tại là người mắc bệnh. Tại bệnh viện Ung Bướu và bệnh viện Truyền máu Huyết học, tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mắc bệnh ung thư chiếm tới 53% tổng số lượt nằm viện và khám bệnh, chiếm 45% tổng chi phí khám chữa bệnh. “Do mức thu nhập của người dân chưa cao, chỉ khi bị ốm đau bệnh tật, thậm chí bệnh nặng người dân mới chủ động tham gia BHYT.”

Tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mắc ung thư chiếm tới 53%
Tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mắc ung thư chiếm tới 53%

Tuy nhiên, kinh tế khó khăn không đủ sức thuyết phục và lý giải cho nguyên nhân vì sao 37% dân số còn lại chưa tham gia BHYT. Trong buổi làm việc với đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội vào chiều 28/3 về việc thực hiện chính sách Pháp luật Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2009-2012, UBND thành phố đã thẳng thắn phân tích những yếu điểm của kế hoạch BHYT toàn dân trên địa bàn.

Theo đó, hiện nay còn nhiều đơn vị trường học ngoài công lập chưa quan tâm thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên song việc xử lý không triệt để. Bên cạnh đó, số trẻ em nhập cư, tạm trú trên địa bàn quá đông đang gây khó khăn cho việc phân cấp quản lý.
 
Theo quy định của Luật BHYT, người có thẻ phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến quận huyện và tương đương trở xuống. Nhưng thực tế tại thành phố cơ sở vật chất của các trạm y tế phường xã đã lạc hậu, chật hẹp đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn rất hạn chế nên không thu hút được người đăng ký.

Trong khi vẫn còn hơn 31% số thẻ đã phát hành đăng ký tại tuyến bệnh viện thành phố thì tuyến bệnh viện quận huyện đã rơi vào tình trạng qua tải, bệnh nhân BHYT phải chầu chực từ 4-5 giờ sáng để được khám bệnh. Những bệnh nhân mắc bệnh nặng lên tuyến trên điều trị nhưng muốn hưởng BHYT buộc phải quay về tuyến quận huyện để đăng ký khám bệnh với mục đích xin giấy chuyển viện. Tâm lý không an tâm với tay nghề của bác sĩ tuyến dưới nên trong năm 2012 có tới hơn 2,2 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến.

Bao giờ hết cảnh người dân phải phục kích cả đêm để được khám bệnh?
Bao giờ hết cảnh người dân phải "phục kích" cả đêm để được khám bệnh?

Tuy có BHYT trong tay nhưng tại một số bệnh viện công lập tự chủ tài chính xã hội hóa, một số máy móc thiết bị liên doanh liên kết nên bệnh nhân vẫn phải móc tiền túi thanh toán trọn bộ chi phí khi khám chữa bệnh bằng những thiết bị này. Giá thuốc và giá dịch vụ y tế tăng cao khiến quỹ BHYT đứng trước nguy cơ bội chi nhưng cũng tăng mức đồng chi trả, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc khám chữa bệnh của người nghèo và cận nghèo.

Tại buổi làm việc với UBND thành phố, nhiều đại biểu thuộc đoàn giám sát cho rằng, thành phố cần sớm đưa hệ thống trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT. Cùng với việc điều chỉnh nguồn thu, chi từ các nhóm đối tượng tham gia BHYT để cân đối nguồn quỹ, thành phố thực hiện đầu thầu chung cho các bệnh viện để dễ quản lý nguồn thuốc điều trị…

Tuy nhiên, sự phát triển của y tế tuyến phường xã, quận huyện của thành phố hiện không thể theo kịp với tốc độ gia tăng của thẻ BHYT. Khi tuyến y tế cơ sở không đủ trình đô chuyên môn và trang thiết bị khám chữa bệnh, kết hợp với tình trạng quá tải bệnh nhân BHYT và những hạn chế khác sẽ tác động tiêu cực đến nguyện vọng tham gia BHYT của người dân.
 
Vấn đề trên đặt thành phố đứng trước nguy cơ vỡ “kịch bản” BHYT toàn dân vào năm 2014 do Bộ Y tế đề ra.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm