Ra mồ hôi nhiều khi luyện tập - Chưa hẳn tốt | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ra mồ hôi nhiều khi luyện tập - Chưa hẳn tốt

Từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng luyện tập phải đổ mồ hôi thật nhiều, nếu không ra mồ hôi có nghĩa là chưa đạt được mục đích của sự vận động. Thật sự lượng mồ hôi cơ thể tiết ra có tỉ lệ thuận với hiệu quả tập luyện?

“Không hẳn vậy”, ông Triệu Kỷ Sinh - phó giáo sư của Trường đại học Thể dục Bắc Kinh trả lời.

 

Mồ hôi do tuyến bài tiết tiết ra và số lượng của tuyến này không chỉ khác nhau ở nam nữ, mà còn khác nhau tùy theo mỗi người.

 

Mặt khác, ra mồ hôi ít hay nhiều cũng tùy thuộc lượng nước trong cơ thể. Người có hàm lượng nước nhiều trong cơ thể thì tiết nhiều mồ hôi khi vận động. Ngược lại lượng mồ hôi sẽ ra ít hơn đối với cơ thể có hàm lượng nước ít.

 

Vì vậy mà khi vận động ra nhiều mồ hôi, những người thừa cân sẽ rất khó thu hồi lượng nước cơ thể đã hao phí. Kết quả là dù thời gian vận động không dài nhưng họ vẫn dễ bị mệt mỏi vì không điều chỉnh được sự bài tiết.

 

Người có thể chất cường tráng, bắp thịt và các cơ quan vận động tương đối khỏe mạnh thì cho dù có tập luyện nhiều cũng không bị mất sức, mồ hôi cũng ra ít hơn. Ngược lại đối với người có thể chất kém, chỉ cần tập luyện một chút mồ hôi cũng đã đầm đìa.

 

Ông Triệu Kỷ Sinh cũng bổ sung thêm rằng hiệu quả vận động có tốt hay không cũng dựa vào yếu tố nhịp tim trong lúc vận động. Phương thức tính toán để có hiệu quả hợp lý trong vận động là : nhịp tim lúc vận động = 220 - số tuổi.

 

Ví dụ, một người 50 tuổi thì nhịp tim lúc vận động phải là 170 lần/phút, nếu vượt qua con số này thì cần giảm nhịp độ vận động cho thích hợp. Mặt khác, đối với những người vận động ít nhưng lại ra nhiều mồ hôi thì nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều hòa sự cân bằng cho cơ thể.

 

Theo Thể Hà

Tuổi trẻ/Xinhua