1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quyết định “cân não” ghép gan cứu thiếu nữ 15 tuổi đã “xin về để chết”

(Dân trí) - Hôn mê gan, sống – chết chỉ trong gang tấc, gia đình đau đớn xin cho bệnh nhân về, bác sĩ cũng đã kí giấy, chuẩn bị xe để đưa cô gái 15 tuổi này về. Tuy nhiên với một quyết định "cân não" đã đưa bệnh nhân từ "cõi chết" trở về.

Chiều 3/4, tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ vui mừng thông báo ca ghép gan từ cặp bố - con ruột đã thành công. Cô gái 15 tuổi tiên lượng tốt, các chỉ số sau ghép gan dần ổn định. Bố ruột cô gái sau khi cho con 60% gan phải cũng đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định, chức năng gan tốt.

Hình ảnh bệnh nhân hôn mê, trong thời khắc gia đình xin bệnh nhân về. Ảnh: BS cung cấp.
Hình ảnh bệnh nhân hôn mê, trong thời khắc gia đình xin bệnh nhân về. Ảnh: BS cung cấp.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, tại BV Việt Đức, việc ghép gan đã thường quy, nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt, hi hữu, bệnh nhân sống lại được là cả một kỳ tích bởi một loạt những khó khăn, chết mười mươi của ca bệnh này.

Cô gái 15 tuổi Dương Thị Phương M. (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) bị suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan độ 3. Dù đã được hồi sức lọc gan, thay huyết tương nhưng nếu không được ghép gan, bệnh nhi sẽ tử vong.

Trước ca bệnh đe dọa tử vong do bệnh nhân đã hôn mê gan, rối loạn đông máu nặng, gia đình bệnh nhân quyết định xin con về. Bệnh viện cũng đã kí giấy, chuẩn bị xe cho bệnh nhân về vì tình trạng nguy kịch, sống – chết trong gang tấc.

Nhưng cuối cùng, với một quyết định “cân não” cố gắng còn nước còn tát, may mắn xét nghiệm gan của bố hòa hợp (chỉ xét nghiệm các chỉ số cơ bản do cấp cứu), các bác sĩ đã quyết định ghép gan cho bệnh nhân dù cô gái đang trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Sau ghép gan, tình trạng bệnh nhân rất nặng, phải hồi sức đặc biệt.
Sau ghép gan, tình trạng bệnh nhân rất nặng, phải hồi sức đặc biệt.

TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, đây là bệnh nhân nặng nhất trong 36 ca được ghép gan tại BV Việt Đức bởi các chỉ số sinh tồn đều ở mức thấp nhất, rối loạn đông máu rất nặng.

GS Giang cho biết, hơn 100 thầy thuốc của BV đã tập trung làm việc, cứu cháu. Cháu bé sống được là công sức rất lớn của đội ngũ ghép tạng, trung tâm hồi sức của bệnh viện, của sự phối hợp với BV Vinmec trong việc hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân. Đặc biệt, GS Giang “ngả mũ kính phục” khâu hồi sức chuyên nghiệp của các bác sĩ.

“Trên nền một bệnh nhân nặng, khi chuẩn bị ghép bệnh nhân có nguy cơ chết trên 90%. Gia đình xin về, BV cũng kí quyết định và chuẩn bị cho xe xin về. Vậy mà giờ sau ghép cơ hội sống của cháu là rất tốt”, GS Giang nói.

Ngày 29/3, bệnh nhân M. đã được các bác sĩ BV Việt Đức ghép gan từ nguồn cho là bố đẻ. Ca ghép tiến hành trong 9 giờ, sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ người hiến khỏe mạnh là bố bệnh nhân.

Nửa gan phải của người bố được cắt (khoảng 60% thể tích gan của người hiến) và ghép cho bệnh nhân.

Do bệnh nhân có rối loạn đông máu nặng từ trước do hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng nhằm hạn chế chảy máu cho bệnh nhân.

“Cháu bé cũng có động mạch gan bất thường, các bác sĩ không thể nối được như truyền thống mà phải tìm đường nối khác phức tạp”, GS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết.

Sau ghép bệnh nhân tỉnh, tự ngồi dậy và ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan hồi phục tốt. Người hiến gan đã tỉnh, chỉ số sinh tồn ổn định, đã trung tiện và ăn uống được, chức năng gan đang hồi phục bình thường.

Bệnh nhân ngày thứ 5 sau ghép gan đã tỉnh táo, ăn uống, tiếp xúc tốt.
Bệnh nhân ngày thứ 5 sau ghép gan đã tỉnh táo, ăn uống, tiếp xúc tốt.
Quyết định “cân não” ghép gan cứu thiếu nữ 15 tuổi đã “xin về để chết” - 4

GS Nguyễn Quốc Kính, Giám đốc Trung tâm gây mê hồi sức (BV Việt Đức) cho biết, trong các ca ghép gan, không ca nào nặng bằng ca này. Ngay bản thân gia đình lúc đồng ý, lúc không đồng ý ghép. Bệnh nhân trước khi mổ bị mê nên không biết sau mổ bệnh nhân có tỉnh lại không.

“Sáng ngày 29/3 trước mổ, bệnh nhân phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan phải đặt nội khí quản. Hệ thống mạch máu của bệnh nhân qua nhiều bệnh viện đã được sử dụng hết, không còn chỗ nào chọc. Chọc chảy máu không cầm được bệnh nhân sẽ chết. Có bệnh nhân già 76 tuổi cũng không khó bằng ca này. Bởi bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, động vào đâu là chảy máu đó”, GS Kính nói.

Chưa kể, bệnh nhân trước mổ nhiễm trùng nặng, sốt nên sau phẫu thuật bác sĩ phải tính toán rất kỹ việc dùng thuốc thải ghép, thuốc kháng sinh. Nếu dùng đủ thuốc miễn dịch thì nhiễm trùng bùng phát, không đủ thì lại thải ghép. Cân bằng giữa chống đông và không chống đông.

Hiện nay, em M. vẫn nằm trong phòng hồi sức đặc biệt nhưng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn uống tốt, "đòi ăn" rất giữ và các bác sĩ hi vọng tiên lượng tốt với cô gái những tưởng mười mươi là sẽ chết.

"Đây không chỉ là ca bệnh khó nhất trong 36 trường hợp được ghép gan tại BV Việt Đức, mà là một ca khó trên các trung tâm ghép tạng thế giới cũng hiếm gặp. Mừng cho một mạng sống cứu được với một cô gái 15 tuổi, cháu có cả một tương lai phía trước, nhờ sự quyết tâm, sự nỗ lực của cả người nhà và các thầy thuốc", GS Giang nói.

Hồng Hải