1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Quay lưng” lại vắc xin là mang tội với con trẻ

(Dân trí) - Trào lưu anti vắc xin âm ỉ lâu nay tại nhiều quốc gia, hiện đang bùng lên ở Việt Nam. Nhiều bậc cha mẹ đã nói không với vắc xin cho con em mình vì cho rằng chúng nguy hại nhưng chuyên gia y tế nhận định đây là hành động mang tội với con trẻ.

Tiềm ẩn nguy cơ “đại dịch”

Trong quá trình phát triển, xã hội loài người đã trải qua nhiều thảm họa với những trận dịch lớn như dịch hạch, dịch cúm, sốt rét, lao, bại liệt, đậu mùa... càn quét qua nhiều quốc gia, đe dọa sự an nguy của nhân loại. Đó là hậu quả con người đã phải gánh chịu do nền y học, khoa học chưa phát triển.

Đến nay, những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đang mang đến cho nhân loại những vũ khí tối thượng giúp chống lại dịch bệnh đó chính là vắc xin. Nhờ có những loại vắc xin khác nhau, con người ngày nay được sống trong môi trường tương đối “sạch bệnh” khi tỷ lệ chủng ngừa đạt được độ bao phủ trong cộng đồng.

Bé Nguyễn Minh Khoa chết mòn vì căn bệnh lao màng não do không được chích ngừa
Bé Nguyễn Minh Khoa chết mòn vì căn bệnh lao màng não do không được chích ngừa

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều mang tính hai mặt, bên cạnh những thành quả vắc xin mang lại cho số đông thì một số ít mang tính cá thể đã gặp phản ứng sau tiêm. Đó chính là nguyên nhân tạo nên trào lưu “anti vaccine” (chống tiêm vắc xin) tại nhiều quốc gia.

Những người theo trào lưu này cho rằng việc chủng ngừa vắc xin đã mang đến bất lợi hoặc có thể sẽ mang đến nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con em họ. Thay vì chủ động chích ngừa để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của vi rút gây bệnh thì họ để hệ thống miễn dịch của cơ thể tự đề kháng với dịch bệnh.

Trước vấn đề trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho rằng: “Anti vaccine là một trào lưu nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Theo bác sĩ Khanh, những người theo trào lưu này thường lùng sục các thông tin nghi ngờ về đặc tính của vắc xin, những tác dụng không mong muốn của vắc xin để tung thông tin nhằm tạo hiệu ứng theo ý của họ. Điều đó có thể kéo theo những thành phần khác, nhất là những phụ huynh đang bị dao động khi có con tiêm vắc xin bị sốt nhiều, đau nhiều.

Một số người không chủng ngừa nhưng vẫn “sống khỏe” có thể là do may mắn hoặc cộng đồng quanh họ đã được chích ngừa nên dịch bệnh không lưu hành nhưng nếu họ đến vùng có dịch thì khó tránh được nguy cơ nhiễm bệnh”.

Trong trường hợp trào lưu anti vaccine lan rộng, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy bùng phát do tỷ lệ chủng ngừa không đạt được độ bao phủ để phòng bệnh. Dịch sởi tại Việt Nam vào năm 2014 là một điển hình.

Nguyên nhân của dịch xuất phát từ một trào lưu theo xu hướng anti vaccin khi nhiều phụ huynh lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin nên không đưa con đi chủng ngừa. Đến khi dịch bùng phát mới cuống cuồng đưa trẻ đi chích thì nhiều cháu đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch.

Rõ ràng khi phụ huynh quay lưng lại vắc xin thì đó sẽ là hành động mang tội với con trẻ.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Theo BS Hữu Khanh, trào lưu anti vaccine xuất phát từ một vài người nổi tiếng có kiến thức, vị thế nhất định trong xã hội.

Tuy nhiên, tìm hiểu tận gốc thì trong gia đình họ có những vấn đề “bất ổn” khi người thân hoặc con cái mang những khiếm khuyết bẩm sinh. Họ luôn muốn “truy tìm” nguyên nhân gây ra những khiếm khuyết từ nhiều tác động khác nhau, do đó vắc xin là thứ bị đưa lên “bàn cân” rồi bị “đổ thừa” một cách vô căn cứ.

“Quay lưng” lại vắc xin là mang tội với con trẻ - 2

Chích vắc xin là "vũ khí" giúp cộng đồng tránh nguy cơ dịch bệnh

Ở góc nhìn khách quan của người làm công tác chuyên môn, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, đến nay chưa có cơ sở khoa học chứng minh chích ngừa vắc xin gây hại cho người bệnh. Một số trẻ có thể gặp những phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin do yếu tố cơ địa hoặc bệnh lý nền đi kèm, tuy nhiên đó chỉ là yếu tố mang tính cá thể.

Khẳng định, vắc xin chính là “vũ khí” hiệu quả giúp loài người chống lại bệnh tật, nhưng BS Trương Hữu Khanh cũng thẳng thắn nhìn nhận các loại vắc xin dịch vụ đang bị những nhóm lợi ích thâu tóm và thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá, “hô hào” ở mức không cần thiết.

“Họ nhắm tới mục đích tiêu thụ được càng nhiều vắc xin càng tốt vì mục tiêu lợi nhuận. Các loại vắc xin khác nhau cần chích vào những thời điểm phù hợp mới phát huy hiệu quả hoặc có những loại vắc xin không cần chích nhắc nhưng vẫn được nhà cung cấp khuyến cáo, đề nghị chích nhắc”.

Để tránh khỏi “ma trận” của nhóm lợi ích, BS Hữu Khanh khuyến cáo mỗi người bệnh nên là một người tiêu dùng thông thái. Trước khi quyết định chích ngừa cho bản thân hoặc cho người thân cần tìm hiểu kỹ lưỡng về loại vắc xin mình đang hướng đến có cần thiết hay không. Trong trường hợp còn băn khoăn cần tham vấn ý kiến của những người làm công tác chuyên môn để có lời khuyên chính xác nhất về việc chủng ngừa.

Để chống lại trào lưu anti vaccine những quốc gia tiến tiến đã có quy định rất nghiêm ngặt về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Nếu trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ không được đến trường.

Cụ thể, ở Mỹ các trường học khi tiếp nhận trẻ đều bắt buộc phụ huynh phải đưa sổ tiêm ngừa, trường hợp nào tiêm chưa đầy đủ, hoặc chưa tiêm sẽ không cho nhập học.

Đó là mục tiêu chung để bảo vệ sức khỏe cả cộng đồng, tránh nguồn lây bệnh từ trẻ chưa được chủng ngừa sang những trẻ khác.

Vân Sơn