Quảng Trị: Xuất hiện “bệnh lạ” ở học sinh
(Dân trí) - Tại trường PT Dân tộc Nội trú huyện Đakrông (Quảng Trị), hiện có 15 học sinh nữ bị mắc “bệnh lạ” với các biểu hiện đau đầu, đập bàn, đập ghế, la hét, nhảy múa, chạy vào rừng…
Ông Hồ Viết Hạnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết: "Đây là không phải là lần đầu trường có học sinh mắc bệnh này".
Trong số 15 em mắc bệnh thì có 12 em đã từng bị mắc bệnh này cuối tháng 12 năm 2007. Ngày 10/2/2008, 36 em học sinh của các lớp 6,7,8,9 đang ngồi học thì lên cơn hét toáng, nói sảng, rồi nhảy lên bàn đứng, kêu nhức đầu, nóng bụng, ngạt thở, hoa tay múa chân, đấm đá túi bụi và bỏ chạy toán loạn...
Khi tổ học sinh nam tự quản và thầy cô giáo đưa các em trở lại trường, các em liền chạy vào phòng ở của giáo viên, dùng dây cột chặt cửa lại, không cho người ngoài vào. Một thầy giáo đã phải đập cửa kính để vào bên trong chăm sóc sức khoẻ cho các em. Nhưng những học sinh này liền ném sách vở và vật dụng khác vào người thầy giáo.
Trước đó 6 năm, bệnh trên đã từng xảy ra ở ngôi trường này với triệu chứng nặng hơn và đông học sinh nữ bị hơn. Cụ thể, các học sinh nữ đang ngồi học, đột nhiên kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, rồi khóc, cười bất thường; một lúc sau thì nhảy lên bàn, hoa chân, múa tay, đập phá rồi chạy vào rừng sâu.
Đáng chú ý, các em này lúc phát bệnh chỉ nói hai thứ tiếng Vân Kiều và Pa Cô, phản ứng kịch liệt khi thầy, cô giáo đến hỏi han, chăm sóc và sợ màu đỏ.
Trở lại chuyện các nữ sinh ở Trường PT Dân tộc nội trú Đakrông bị mắc bệnh lạ, thầ Hạnh, cho biết thêm: “Đã nhiều lần đưa các em vào Bệnh viện Đa khoa huyện khám và nghi các em mắc hội chứng hysteria nhưng qua các xét nghiệm cho thấy không phải chứng bệnh này. Bệnh viện không tìm ra tên bệnh, cũng như không chữa khỏi được. Sau những lần như vậy, các thầy cô giáo và học sinh nam đưa các nữ sinh bị bệnh về nhà. Điều lạ, khi về đến nhà vài ngày thì các em khỏi bệnh.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: "Sở đã cử cán bộ về tận trường để kiểm tra tình hình. Theo ông nguyên nhân của căn bệnh lạ có thể là do chương trình học có thể nặng đối với người dân tộc, môi trường sinh hoạt học tập không đảm bảo".
Hiện các cơ quan chức năng đang cố gắng tìm hiểu để có những biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt căn bệnh nói trên.
Hoài Lương