Quảng Ngãi: Nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau lũ
(Dân trí) - Lũ, lụt… đã cuốn trôi hàng trăm căn nhà, gia súc chết la liệt khắp nơi, xóa sổ nguồn nước sạch (nước giếng) và người dân miền Trung lâm vào cảnh bữa đói, bữa no. Hậu sau lũ lụt, người dân lại sống chung với “lũ” dịch bệnh.
Trận đại hồng thủy ấp đến miền đất Quảng Ngãi, từ ngày 14 đến 17/11, toàn tỉnh Quảng Ngãi ước tính có 15 người chết, 1 người mất tích và 65 người bị thương. Lũ cuốn trôi và gây chết 282.053 vật nuôi, đồng thời làm 63.760 giếng nước bị ngập gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng và 59 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng.
Nước giếng đục ngầu không thể sử dụng
Sống nhờ giếng trời
Trở về vùng rốn lũ, cảnh tan hoang với rác, súc vật chết,… phủ dày trên sa mạc đầy bùn lầy. Khắp các ngã đường, con hẻm bốc mùi hôi thối nồng nặc, đây là điều kiện mầm bệnh có khả năng bùng phát và lây lan trên diện rộng.
“Nước lũ rút xuống, còn trơ lại mặt bùn lầy lội, hôi tanh khắp nơi, tình hình này dễ sinh ra dịch bệnh quá. Người lớn còn chống chọi được chứ trẻ nhỏ thì nguy hiểm quá”, cụ ông Võ Văn Mười (68 tuổi, ngụ thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức) lo lắng.
Không chỉ bùn lầy bám dày đặc trên mặt đất, mà các giếng nước sinh hoạt chịu ảnh hưởng nặng nề, mặt nước đục và có màu như đồng. Giếng nước không thể sử dụng, người dân vùng rốn lũ đành hứng nước mưa để nấu ăn và uống.
Nhìn xuống giếng nước đục ngầu, bà Trần Thị Thu Hà (58 tuổi, ngụ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) lắc đầu, nói: “Nước giếng như thế này thì ai dám tắm, chứ đừng nói là dùng để ăn uống. Từ lúc có hàng cứu trợ với thùng nước suối, gia đình tôi tiết kiệm từng giọt nước để nấu cơm, canh và uống. Chậm khắc phục nước giếng ngày nào, người dân nghèo nơi đây khát nước ngày đó”.
Lũ nhấn chìm toàn bộ hoa màu, rau xanh và lương thực. Với mất mát về tài sản khi trâu, bò, heo, gà bị chết trôi, nhiều hộ dân liều mình xẻ thịt gia súc chết để ăn hoặc bán mong gỡ gạt chút ít vốn.
Theo thống kê, lũ lụt gây chết 5.274 con đại gia súc, 14.443 con tiểu gia súc và 262.336 con gia cầm. Toàn bộ cây trồng, hoa màu ngập úng ở khu vực bị ngập nước.
Gia súc chết đầy đường
Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát
“Thông thường khoảng từ 1 đến 2 tuần sau trận lũ, xác súc vật và ô nhiễm môi trường dễ sinh ra dịch bệnh. Các loại bệnh phổ biến như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, tiêu hóa và hô hấp bùng phát nhanh”, ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Ông Hồ Minh Nên khẳng định: “Trước mắt, Trung tâm triển khai xử lý nguồn nước giếng, tuyên truyền và hướng dẫn người dân xử lý môi trường ngay chính tại gia đình. Đồng thời, ngành tổ chức huy động các lực lượng hỗ trợ khắc phục môi trường, chống dịch bệnh bùng phát trong khu dân cư, đặc biệt là công tác tiêu hủy gia súc, vật nuôi bị chết. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tuyến cơ sở tăng cường giám sát, khi phát hiện mầm bệnh thì dập tắt ngay, không để lây lan ra diện rộng”.
Khắp nơi là bùn tanh hôi
Với hàng trăm ngàn con vật chết, kèm theo môi trường bị phá hủy hoàn toàn trên diện rộng, dịch bệnh có khả năng bùng phát. Lũ đến đã lấy cạn nước mắt người dân, nếu dịch bệnh sinh sôi, người dân lại khóc thêm lần nữa.
Hồng Long