1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam: Tuồn thuốc kháng sinh hết hạn vào bệnh viện?

(Dân Trí) - Hơn 10 ngày sau khi phát hiện 123 lọ Sulbacin 1,5g (một loại kháng sinh do Ấn Độ sản xuất) trong lô hàng 397 lọ, đã hết hạn sử dụng tại bệnh viện (BV) đa khoa Quảng Nam, cho đến nay vẫn chưa tìm ra chủ nhân của lô thuốc quá đát này.

Bệnh viện nói của công ty

 

Giám đốc BV đa khoa Quảng Nam Phạm Ngọc Chương cho biết: Ngày 13/6/2008,  khoa Dược của BV có nhập từ Công ty cổ phần Dược Vật tư y tế (DVTYT) Quảng Nam 3 mặt hàng thuốc kháng sinh khác nhau, trong đó có một lô hàng Sulbacin 1,5g do Ấn Độ sản xuất với số lượng 397 lọ.

 

Ngày 20/6, chị Tuyến phụ trách kho chính của BV phát hiện tại kho dược có một số lọ thuốc Sulbacin 1,5g quá hạn sử dụng (hạn dùng ghi trên hộp thuốc đến hết 5/2008) nên đã báo ngay cho các khoa thu hồi ngay để trả lại cho khoa dược.

 

Rất may là những lọ thuốc quá đát này chỉ "lưu hành" được khoảng 10 phút nên chưa dùng cho bất cứ người bệnh nào. Số thuốc này ngay sau đã đó được BV chuyển trả cho công ty cùng với lô thuốc đã nhập cùng lúc.

 

Việc để "lọt" 397 lọ Sulbacin 1,5g vào kho thuốc của BV theo lý giải của những cá nhân liên quan của khoa Dược là "đã có kiểm tra một số hộp thuốc nằm trên thùng còn thấy hạn dùng, chất lượng tốt nhưng không ngờ có lẫn cả thuốc hết hạn nằm bên dưới...".

 

Trong biên bản làm việc giữa Thanh tra Sở Y tế Quảng Nam và BV ngày 23/6 cũng đã kết luận: "Hiện tượng thuốc quá hạn dùng trộn vào thuốc còn hạng dùng là xuất phát từ Công ty cổ phần DVTYT Quảng Nam".

 

Công ty bảo không phải của mình

 

Ông Nguyễn Đình Tân, Phó giám đốc Công ty cổ phần DVTYT Quảng Nam cho biết: Công ty có cung ứng cho BV Đa khoa Quảng Nam lô hàng Sulbacin 1,5g (nguồn hàng này nhập từ Công ty CP Dược phẩm Vĩnh Phúc tại Hà Nội vào ngày 14/2/2007, gồm 5 thùng 1.500 lọ). Tuy nhiên, ông không thừa nhận số thuốc trên là của công ty.

 

Theo ông Tân, thuốc của công ty thuộc lô 266016, hạn dùng đến 9/2008. Công ty đã xuất cho bệnh viện 1 thùng nguyên 300 lọ và 97 lọ lẻ, số còn lại ông xuất cho chi nhánh của công ty ông tại Đà Nẵng và đến nay chi nhánh này đã tiêu thụ hết mà không hề có phản ứng gì.

 

Đối chiếu số lô thuốc mà công ty đã xuất cho BV, ông Tân khẳng định số lô thuốc mà BV chuyển trả không trùng khớp với số lô mà công ty đã quản lý. "BV nói thuốc hết hạn của công ty là vô lý. Vì số thuốc chúng tôi nhập về có ghi lưu lại trong sổ sách chứng từ chỉ có một lô (266016), một hạn dùng (9/2008) trong khi số thuốc bệnh viện trả cho chúng tôi lại đến 3 lô và 3 hạn dùng (gồm lô 266009, hạn dùng 5/2008; lô 266015 hạn dùng 9/2008; lô 267021 hạn dùng 9/2009), ông Tân nói.

 

Hiện  công an tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc để điều tra làm rõ.

 

Tường Vy