1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng cáo sữa: Thổi phồng quá mức!

Nào “cao lớn, khoẻ mạnh”, nào “trí thông minh vượt trội”, nào “hệ miễn dịch hoàn hảo”..., đó là những lời quảng cáo sữa khiến nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng sữa là loại thực phẩm màu nhiệm mà nếu thiếu con họ sẽ còi cọc, kém phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Uống nhiều sữa sẽ cao lớn...

 

Bé Bi, 5 tuổi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy đã được bố mẹ cho uống toàn sữa nhập khẩu đắt tiền ngay từ khi sinh ra. Thế nhưng, buồn thay, bé vẫn thuộc top 10 học sinh thấp nhất lớp, dù số tiền bố mẹ chi ra trong suốt 5 năm qua với niềm tin con mình sẽ cải thiện được chiều cao đã ngót nghét 100 triệu (tiền sữa mỗi tháng của bé hết khoảng 1,5 triệu).

 

Là bác sĩ tư vấn dinh dưỡng thuộc Trung tâm Khám và Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thạc sĩ Lê Thị Hải từng gặp không ít những câu hỏi của các ông bố bà mẹ, đại loại: “Có thật uống sữa nhiều sẽ cao?” hoặc “Loại sữa nào sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tốt?”... Bà Hải cho rằng, sở dĩ các ông bố bà mẹ hỏi như vậy vì họ đã không nắm được những yếu tố tác động đến sự phát triển chiều cao của trẻ. “Đúng là sữa chứa đa dạng các chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng trưởng, song sữa không phải là yếu tố duy nhất góp phần gia tăng chiều cao ở trẻ”, ThS. Hải khẳng định.

 

Theo bà Hải, chiều cao của trẻ được quyết định bởi rất nhiều yếu tố: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, tình trạng bệnh tật và chế độ tập luyện thể dục thể thao. Trẻ không uống sữa, nhưng chế độ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cơ bản cũng như các vi chất dinh dưỡng, được chăm sóc tốt (ăn đúng và đủ bữa, ngủ đủ giấc và ngủ trước 10 giờ đêm mỗi ngày), thường luyện tập thể dục thể thao (bơi, chạy, đạp xe...) thì chiều cao vẫn phát triển tốt. Ngược lại, dù có uống nhiều sữa, nhưng ông bà, bố mẹ không thuộc diện cao lớn, giấc ngủ của trẻ không đảm bảo, trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai hoặc suy dinh dưỡng thể thấp còi (giai đoạn dưới 2 tuổi) thì chiều cao khó có thể phát triển tốt.

 

... và trở thành thần đồng?

 

DHA và ARA là các a-xít béo chưa no thuộc nhóm omega-3 tối cần thiết cho cơ thể con người nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ thức ăn. Tác dụng của chúng là tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện sự phát triển của não bộ cũng như thị giác.

 

Lợi dụng đặc tính này, đa số nhà sản xuất đã bổ sung DHA và ARA vào thành phần của sữa và đến lượt mình, các quảng cáo đã khuyếch đại giá trị của những chất này để đánh vào tâm lý tiêu dùng - bà mẹ nào chẳng muốn con mình thông minh. Nào là sữa X sẽ “giúp bé có một trí não phát triển toàn diện”, nào là sữa Y “tăng gấp 4 lần DHA” giúp bé phát triển trí não một cách tối ưu và học tập hiệu quả...

 

Các quảng cáo sữa đã khiến các bà mẹ lầm tưởng rằng DHA và ARA chỉ có trong sữa, rằng cứ uống sữa và chỉ có uống sữa, con mình mới thành thần đồng. Một bà mẹ chia sẻ trên 1 diễn đàn cha mẹ cho rằng, cứ sữa nào có DHA là mua cho con vì “hoàng tử” bé đang trong giai đoạn cần tăng cường “chất xám”.

 

Thực chất có phải vậy?

 

Quảng cáo sữa: Thổi phồng quá mức! - 1

Sữa chỉ là một nhóm dinh dưỡng góp phần phát huy tiềm năng di truyền...

Theo thạc sĩ Hải, DHA và ARA có trong rất nhiều loại thực phẩm như: Cá, dầu thực vật, hải sản, trứng. Nếu các bà mẹ ăn nhiều thực phẩm này trong thời gian mang thai cũng như trong giai đoạn cho con bú thì con họ vẫn nhận được đầy đủ DHA và ARA. Thời điểm tiếp nhận 2 chất này tốt nhất đối với trẻ là giai đoạn trong bào thai và con đường hấp thu hiệu quả nhất là qua sữa mẹ. Khi trẻ ngoài 2 tuổi, nếu trẻ không uống sữa công thức nữa nhưng chế độ dinh dưỡng của trẻ giàu các loại thực phẩm kể trên thì trí não của trẻ vẫn phát triển bình thường.

 

Sữa cũng như chế độ dinh dưỡng tốt chỉ góp phần phát huy hết tiềm năng di truyền (cả về chiều cao lẫn trí thông minh) mà ông bà, bố mẹ để lại chứ không phải là thuốc tiên giúp đứa trẻ cao lớn, thông minh khác thường.

 

Bác sĩ Lê Quang Hào, Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hóm hỉnh: “Nếu nói cứ uống sữa sẽ thông minh thì bao nhiêu thế hệ người Việt trước đây có uống giọt sữa nào đâu mà vẫn thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học...”.

 

Từ góc độ của một nhà tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hà Thành, giám đốc Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ Tâm lý Phát triển Cộng đồng, cho rằng, trí thông minh của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố gene đóng vai trò là tiền đề; môi trường sống, môi trường giáo dục, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò chủ đạo; còn sự trải nghiệm của trẻ, việc trẻ được thực hành, vận động mới đóng vai trò quyết định.

 

Như vậy, trí thông minh của trẻ chỉ được phát huy một cách tối đa khi hội tụ đủ những yếu tố đó.

 

Theo Quỳnh Nga

Gia đình