Quản lý vac-xin đang bị thả nổi

28 trẻ bị phản ứng sau khi tiêm như: Áp xe vị trí tiêm, tím tái, co giật, sốt cao, nổi mẩn toàn thân, yếu chân, sốc phản vệ, nhiễm trùng huyết do Ecoli… thực sự là con số đáng lo ngại. Hơn thế, việc giám sát, quản lý vac-xin chích ngừa ở một số địa phương vẫn còn quá thờ ơ.

TPHCM đứng ở “top” đầu với 13 ca trong tổng 28 ca bị phản ứng sau tiêm trên. Số ca còn lại thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh và Tiền Giang. Đặc biệt 1 ca An Giang sau khi tiêm thuốc ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván (DTC1) đã có triệu chứng liệt chân trái.

 

Riêng ở Tây Ninh, một bé gái 5 tuổi có triệu chứng sốc phản vệ và 1 ca ở Tiền Giang có triệu chứng khóc thét dai dẳng sau khi chích DTC3,VGB 3.

 

Đại diện Viện Pasteur TPHCM cho rằng, việc quản lý và sử dụng vac-xin, bơm kim tiêm tại tuyến tỉnh hiện còn rất nhiều sai sót và chưa quản lý được.

 

Trong khi đó nhiều lúc chương trình tiêm chủng mở rộng  quốc gia cung cấp vac-xin không kịp thời làm ảnh hưởng tiến độ tiêm trong 4 tháng cuối năm và tốc độ triển khai đầu năm 2007 tại các tỉnh. 

 

Tại tuyến huyện, nhiều nơi phải dùng những thiết bị chứa vac-xin như tủ lạnh, tủ đông  đã quá cũ kỹ và đã qua sửa chữa nhiều lần. Có trạm y tế lưu dùng tủ được cấp trên 15 năm (từ trước 1990) hoặc chỉ còn phích lạnh nội địa.

 

Đó là chưa kể do thay đổi cơ chế quản lý trong ngành y tế, đa số cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng tuyến huyện, xã bị thuyên chuyển, nhiều nhân sự mới chưa được huấn luyện về thực hành và quản lý thuốc chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn cứ… vô tư quản lý vac-xin.

 

Đa số các số liệu báo cáo từ trạm y tế không chính xác. Giữa số mũi tiêm thường chênh lệch với số vac-xin và bơm kim tiêm. Rất nhiều trạm y tế không báo cáo lượng bơm kim tiêm tồn kho cũng như hạn sử dụng. Có trạm y tế không được cấp sổ quản lý vac-xin, thậm chí cấp nhầm mẫu sổ…

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Viện Pasteur TPHCM cho biết: “Vac-xin phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ 7 độ và theo dõi nghiêm ngặt nhưng nhiều nơi không thực hiện đúng quy định.

 

Ở tuyến huyện khi được kiểm tra đã phát hiện vac-xin để trong tủ lạnh trong tình trạng hở do nắp tủ bị vênh, chai thì hỏng gioăng, thành tủ thì gỉ sét vì đã lâu năm không được cấp tủ thay thế. Có nơi dùng cả tủ đá để bảo quản vac-xin vì không có tủ lạnh. Thậm chí,  nhiều nơi để vac-xin sởi… lên mùi hôi thối”.

 

Theo kiến nghị của Viện Pasteur, các cơ sở quản lý và sử dụng vac-xin tại các tỉnh thành nên thực hiện gấp việc kiểm kê lượng tồn kho vac-xin. Việc báo cáo cần được quan tâm để đảm bảo việc cấp phát điều phối hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng nên có kế hoạch cho kinh phí trang bị vật tư bảo quản thay thế dần hàng năm để nâng chất lượng bảo quản vac-xin.

 

Theo Lê Nguyễn - Hà Nguyên

Tiền phong