Quá tải khu bệnh nhân nặng Covid-19, ca tử vong ở An Giang tăng cao
(Dân trí) - Nhiều ngày qua ca mắc Covid-19 ở An Giang giảm nhưng có một thực tế mà ngành chức năng và người dân lo ngại là số ca mắc Covid-19 tử vong luôn ở mức cao, mỗi ngày có trên 20 ca tử vong.
Tầng 3 đang quá tải...
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, ngày 15/12 ghi nhận 387 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có đến 297 ca trong cộng đồng. Đáng kể như, huyện Châu Phú phát hiện 84 ca trong cộng đồng.
Hiện lũy kế toàn tỉnh An Giang đến nay có hơn 28.400 ca, nhưng số ca đang quản lý điều trị chỉ hơn 4.200 ca, trong đó quản lý điều trị tại nhà hơn 2.500 ca.
Trong ngày 15/12, có 20 trường hợp tử vong, nâng số người tử vong trên địa bàn tỉnh An Giang lên 694 người, chiếm 2,4%. Đáng lo ngại, từ ngày 4/12 đến 15/12 có 245 ca tử vong, trong đó, nhiều ngày có từ 24 - 28 ca tử vong/ngày.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), cho biết, Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang (đặt trên địa bàn TP Châu Đốc) tiếp nhận và đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân Covid-19 dạng nặng (tầng 3), vượt khoảng 20 ca so với số giường được bố trí.
Theo ông Tuấn, khi các bệnh nhân Covid-19 từ tầng 1-2 chuyển lên tầng 3 (Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang), các y bác sĩ điều trị ổn định thì chuyển bệnh nhân trở lại tầng 2, tầng 1. Khi bệnh viện thực hiện việc tốt việc phân tuyến vừa giảm tải cho tầng 3, nhằm chăm sóc bệnh nhân nặng tốt hơn.
Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang, đơn vị đang bị quá tải ở tầng 3, do chỉ có 50 giường nhưng đang điều trị hơn 140 bệnh nhân. Nguyên nhân quá tải ở tầng 3 là do bệnh nhân mắc bệnh nền đến khám và ở lại điều trị ở tầng 3.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, lượng oxy hiện nay mua khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc điều trị bệnh Covid-19. Hiện bệnh viện đã xin Sở y tế mở rộng thêm 100 giường ở tầng 2 để chuyển bệnh nhân ở tầng 3 xuống tầng 2 khi các bệnh nhân này không còn nguy kịch nữa.
Ông Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở y tế An Giang cho biết, tầng 3 hiện quá tải, vì các cơ sở thu dung điều trị bình quân khoảng 50 giường bệnh nhưng hiện tại gần 100 giường.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế, đây chỉ là hiện tượng quá tải cục bộ. Vì thời gian qua, các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 chưa thực hiện tốt khi khám sàng lọc, phân tầng điều trị bệnh nhân chưa hợp lý.
Ngoài ra, còn có tình trạng, bệnh nhân sau khi chuyển lên tầng 3, được các y bác sĩ điều trị ổn định, phải chuyển tầng nhưng vẫn nằm điều trị tại tầng 3 gây quá tải.
Phân tầng điều trị và nỗ lực tiêm vaccine
Theo Sở Y tế An Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 4 bệnh viện có chức năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng (theo phân tầng điều trị tầng 3), mỗi đơn vị bố trí khoảng 50 giường bệnh. Tuy nhiên, hiện nay có một số Bệnh viện số bệnh nhân nằm điều trị tại tầng 3 tăng lên 70 đến hơn 100 giường.
Phân tích về số ca tử vong trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua luôn ở mức cao, Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là người dân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Vì thực tế, trong số ca tử vong vừa qua có từ 70 - 75% số ca tử vong chưa tiêm vaccine.
Theo ông Hiền, thời gian tới, ngành y tế phối hợp với lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm vét. Đối với những hộ còn e ngại với vaccine, ngành chức năng và địa phương phối hợp vận động tuyên truyền để người dân thực hiện tiêm vaccine, nhằm bảo vệ mình và người thân.
Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho tầng 3 để hạn chế số ca tử vong do Covid-19.
Theo Giám đốc Sở y tế An Giang, giải pháp trước mắt là các đơn vị tuyến trên và tuyến dưới phải có sự phối hợp chặt chẽ trong khâu chuyển bệnh và nhận bệnh. Đồng thời, các y bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 3, tích cực vận động, giải thích cho bệnh nhân để chuyển về đúng tuyến, đúng tầng, tránh gây quá tải cho tầng 3 như hiện tại.
Ngoài ra, ông Hiền còn cho rằng, thực hiện tốt việc cách ly điều trị F0 thể nhẹ tại nhà vừa được nhân dân ủng hộ vừa góp phần giảm áp lực cho các cơ sở thu dung điều trị.
Tuy nhiên, theo ông Hiền khi cách ly điều trị F0 thể nhẹ tại nhà cần phát huy vai trò giám sát, quản lý theo dõi điều trị của Trạm y tế lưu động, Tổ Covid-19 cộng đồng để có chỉ định sớm thuốc: kháng virus (Remdesivir, Molnupiravir), kháng viêm, kháng đông, … để hạn chế bệnh chuyển từ tầng 1 lên tầng 2, tầng 3.
Tính đến ngày 14/12, toàn tỉnh An Giang số người dân trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt trên 97,8%; mũi 2 đạt 91,9%; mũi 3 đạt 11,8%; lứa tuổi từ 12 -17, toàn tỉnh đã tiêm hơn 275.00 mũi.
Trước tình hình điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các khu cách ly điều trị và các bệnh viện trên địa bàn tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn, ngày 14/12, Công an tỉnh An Giang tổ chức lễ tiếp nhận vật tư y tế hỗ trợ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 và kinh phí cất nhà Đại đoàn kết. Tổng giá trị vật tư y tế hơn 3,2 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ cất nhà là 500 triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận, số vật tư y tế được Công an tỉnh phối hợp cùng các địa phương vận chuyển đến ngay các Bệnh viện và khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh.