Quá sợ kiến ba khoang!
Ký túc xá (KTX) Khu B ĐHQG TPHCM đang xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang. Phải sống chung và liên tục bị loài côn trùng khá nguy hiểm này tấn công, các bạn sinh viên luôn trong tâm trạng lo lắng. Mặc dù Ban Quản lý KTX đã nhiều lần phun thuốc nhưng cũng không diệt hết chúng được.
Có nhiều trường hợp vì không nhận diện được vết đốt của kiến ba khoang nên các bạn sinh viên không điều trị kịp thời, dẫn đến những biến chứng nặng. N.H.T - sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - kể: “Cách đây vài tuần, tôi thấy ngứa trên tay nên gãi thì sau đó vết ngứa lan ra những vùng lân cận. Lúc đầu tôi tưởng bị mề đay hay bị giời leo nên chữa trị theo cách dân gian. Sau đó mấy ngày, tôi bị sốt, vết thương mưng mủ, lở loét gây đau nhức. Lên mạng tìm hiểu thông tin mới biết là bị kiến ba khoang đốt liền vội vã đến bệnh viện”.
“Kiến ba khoang có kích thước to, dài hơn một số loài kiến thường gặp, trên thân thường có nhiều khoang màu đen xen lẫn khoang màu vàng hoặc đỏ trong khi kiến thông thường chỉ có một khoang trên bụng. Loại kiến này đốt thường gây ngứa tại chỗ, nổi mề đay, sưng tấy, thậm chí nặng hơn là gây sốc phản vệ, phù nề đường thở gây khó thở, suy hô hấp... do trong nọc kiến có chứa chất độc và các loại axít amin hoạt mạch”, BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
BS Tiến khuyên khi thấy kiến ba khoang trên người, chúng ta không nên vội đập chết kiến vì như vậy nó sẽ tiết ra độc chất gây ngứa, cần bình tĩnh búng nhẹ kiến đi. Khi đã bị kiến ba khoang đốt, cần chườm lạnh ngay để bớt sưng đau, không nên chườm nóng hoặc thoa dầu vì sẽ gây sưng nề thêm. Cũng lưu ý rằng nơi kiến đốt sẽ bị ngứa nhưng không nên gãi mạnh vì dễ gây lây lan. Dứt khoát không được chủ quan với kiến ba khoang, cần liên tục theo dõi diễn biến vết cắn, nhanh chóng bôi thuốc sát trùng, nếu thấy ngứa thì uống thuốc chống ngứa theo chỉ định của bác sĩ.
Cũng theo BS Tiến, khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường như: mệt, chân tay lạnh, đau bụng, nôn ói, khò khè, khó thở, nghẹt mũi thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Khi bị kiến đốt mà thấy sưng mặt, sưng môi cũng cần nhanh chóng đến bệnh viện vì đó là dấu hiệu nặng cho thấy bị phù nề bên trong, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu trẻ con bị kiến đốt, chúng ta cần hết sức lưu ý rằng thể tích nọc độc tích tụ trong cơ thể trẻ sẽ nhiều hơn do khả năng chịu đựng của trẻ kém, sức đề kháng còn yếu. Một khi được điều trị kịp thời thì vết đốt sẽ nhanh khỏi và rất ít trường hợp để lại sẹo.
“Môi trường sống của kiến ba khoang rất đa dạng, chúng có thể sống trên cây, nhất là rừng lá khô, ở rạch và chúng còn đào đất để trú. Vì vậy, nên thường xuyên phát hoang cây cối, bụi rậm, đặc biệt là khuyên trẻ em không chơi trong vùng lá khô” - BS Tiến lưu ý.
Theo Tiểu Nguyệt
Người lao động