Quá nhiều bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng!

(Dân trí) - Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng đang tăng nhanh khi hiện đã có hơn 10 ngàn loại TPCN trên thị trường nhưng kéo theo đó là nỗi lo về chất lượng, giá cả, độ trung thực của thông tin… Tất cả bắt nguồn từ khâu quản lý còn quá nhiều bất cập.

 

Quá nhiều bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng!

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tại hội thảo Vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý mới diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: H.Hải
 
"Xem quảng cáo, không biết là thuốc hay thực phẩm"
 
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, hiện nay trong quản lý mặt hàng này còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó có vấn đề ghi nhãn thực phẩm chức năng.

“Ví dụ như có loại thực phẩm chức năng được ghi nhãn là vitamin C 500 trong khi đó thành phần vitamin C chỉ là 5gr. Con số 500 được viết to, rõ ràng dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là loại vitamin C 500gr”, ông Trung dẫn chứng.

Ngoài ra mặt hàng này cũng không bắt buộc thử nghiệm lâm sàng và cơ quan quản lý cũng chưa ban hành được quy định ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung.
 
Trước những bất cập đang tồn tại, tới đây cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn sản phẩm này, đảm bảo giữ ổn định, đồng thời phát triển nhưng phát triển trong quỹ đạo. “Chúng tôi đang đôn đốc ghi nhãn TPCN. Thông tư ghi nhãn sẽ tác động tới toàn bộ doanh nghiệp. Sẽ quản lý chặt hơn”, ông Long nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng “lạm dụng, coi TPCN là thần dược” là do thiếu những bằng chứng khoa học, nghiên cứu, đánh giá về nó.

“Hiện những minh chứng, bằng chứng về mặt khoa học có tính thuyết phục của TPCN còn rất ít, thậm chí có thể nói chưa có công trình nghiên cứu khoa học thực sự đánh giá đúng bản chất TPCN”, Thứ Trưởng Bộ Y tế nói.

Thứ trưởng Long cũng đề cập đến tình trạng quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm. Trên 50% sai phạm về TPCN liên quan đến quảng cáo. Sai phạm chủ yếu là ở quảng cáo trên các báo đài địa phương

Doanh nghiệp nói quá công dụng của sản phẩm, quảng cáo không đúng với nội dung được cho phép, sử dụng những hình ảnh, thông điệp gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. “Có lần cố ngồi xem quảng cáo một loại sản phẩm, không phân biệt được đó là thuốc hay thực phẩm chức năng”, ông Nguyễn Thanh Long, chia sẻ.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoàn toàn biết và hiểu rằng chính tình trạng quảng cáo này khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc điều trị chữa bệnh. Nhưng theo quy định của phát luật, những vi phạm này không bị rút số đăng kí, nên Cục chỉ có thể gửi công văn đến cơ quan báo chí quảng cáo, yêu cầu doanh nghiệp thu hồi từ rơi, nội dung quảng cáo.

"Thần dược" hỗ trợ đắt hơn cả giá thuốc
 
Một bất cập nữa phải kể tới, đó là hiện chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng của sản phẩm. “Ví như một số phảm phẩm như sâm Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo hiện đang được bán rất nhiều ở Việt Nam nhưng chúng ta không có kiểm tra định lượng mà chỉ dựa vào kết quả định lượng của nước xuất xứ. Còn sản phẩm trong nước thì yêu cầu nhà sản xuất công bố và chịu trách nhiệm. Nguyên nhân là vì TPCN không bắt buộc kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc”, ông Trung nói.
 
Ngoài ra, vấn đề công bố công dụng, muốn chứng minh có hiệu quả thực sự như thuốc phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Đã có hiện tượng doanh nghiệp làm kiểm định tại cơ sở A không đạt thì sang cơ sở B và có chứng nhận đạt. Cơ quan chức năng yêu cầu một trung tâm kiểm nghiệm của nhà nước thực hiện thì trung tâm này cho biết không có chức năng đó.
 
Tới đây Bộ Y tế cũng sẽ đặt nặng vấn đề hậu kiểm. Theo đó, dù định lượng không đúng với công bố nhưng cũng phải có giới hạn (vì thực phẩm không phải là thuốc) có thể dao động trong hành lang nào đó. Chúng tôi sẽ trao đổi với cơ quan quản lý, nhà khoa học, hiệp hội để tới đây khi ban hành thông tư hướng dẫn nó đi vào cuộc sống, đi đúng và quản lý đúng”, Thứ trưởng khẳng định.

Ngoài khó khăn trong việc quản lý quảng cáo TPCN, một vấn đề cũng khiến nhà quản lý và người dân đau đầu, đó là giá thành các loại TPCN rất đắt, có những loại dù quảng cáo có tác dụng “hỗ trợ điều trị” chứ không phải thuốc điều trị nhưng giá bán cao hơn cả giá thuốc.

“Về giá bán, nếu chúng ta coi là TPCN thuốc thì lập tức Bộ Y tế sẽ quản lý theo giá thuốc. Nhưng đây là thực phẩm và thực phẩm thì không do Bộ Y tế quản lý giá. Không thể đòi hỏi Bộ Y tế quản lý giá thực phẩm chức năng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Và cuối cùng, mặc dù luật hiện hành được dựa trên tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm Quốc tế) nhưng chưa có một chế tài quản lý nào thực sự hữu hiệu.

Hiện các cơ quan quản lý mới đang đệ trình xây dựng đề án phát triển TPCN, đang tham khảo các văn bản pháp luật của các quốc gia khác (tập trung vào công dụng của sản phẩm, luật ghi nhãn…) để từ đó sẽ có kiến nghị sửa đổi như bắt buộc phải ghi nhãn TPCN trên sản phẩm sao cho “khoa học, chính xác, trung thực” như phát biểu của PGS.TS Lê Văn Truyền, Chuyên gia cao cấp dược học.
 
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, cho rằng bất cập trong quản lý TPCN hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, đó là phát triển thị trường TPCN của chúng ta quá nhanh. Trong giai đoạn các cơ quan quản lý chưa theo kịp, nhận thức của cộng đồng, của chính đội ngũ y tế chúng ta chưa theo kịp vấn đề này.

Tú Anh - Trần Phương