1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phút "lỡ tay" tuổi trung niên

Những bệnh lý không được phát hiện, những chấn thương thời trẻ tưởng đã đi vào quên lãng đôi khi có thể khiến người trung niên, cao niên gặp vấn đề lớn

Sau 2 ngày nằm viện và gần 1 tuần dưỡng bệnh, ông Trần Văn T. (55 tuổi) mới dám đi bộ từ từ quanh khu phố. "Nói không ai tin nhưng thực sự tôi đã nhập viện chỉ vì... cúi xuống buộc dây giày"- ông T. kể.

Giọt nước tràn ly

Hôm gặp chuyện, ông T. đang chạy bộ thì một bên giày sút dây, trong lúc vội cúi xuống buộc lại, ông bỗng cảm nhận một cơn đau lan khắp vùng lưng, hông bên trái, đi không nổi. Bạn bè cùng tập với ông T. đã dìu ông ra ghế đá ngồi nghỉ, dùng dầu xoa bóp nhưng không đỡ. Thấy ông T. càng lúc càng đau và tê cả người, sợ ông bị đột quỵ, mọi người nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện (BV). 

Bác sĩ (BS) chẩn đoán là một cơn đau cấp do thần kinh tọa bị chèn ép. Việc ông T. cúi xuống vội vàng khiến đĩa đệm đốt sống thắt lưng vốn không còn nằm đúng vị trí từ lâu, bị lồi ra thêm một chút, gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến cơn đau cấp tính. Rất may sau một thời gian dưỡng bệnh, tập vật lý trị liệu, tình hình dần cải thiện. BS cảnh báo lần sau phải kiếm chỗ ngồi xuống, từ từ buộc dây giày, nếu không sẽ dễ dàng... lên bàn mổ.

Phút lỡ tay tuổi trung niên - 1

Người trung niên, cao niên nên chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi có dấu hiệu lạ. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 

 

Ngồi đợi khám cơ xương khớp ở một BV tư nhân ở quận 10, ông Nguyễn Văn M. (45 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) cho biết thỉnh thoảng phải đi kiểm tra vì mấy năm trước, ông đã phải trải qua một cuộc đại phẫu ở cột sống, phải bắt nẹp, ốc vít chỉ sau một buổi tập tạ.

 "Vừa nâng tạ lên bỗng nghe cái rụp, sụm luôn. BS bảo thoát vị đĩa đệm, không chỉ do tập luyện, mà liên quan đến việc tôi làm nặng hồi thiếu niên. Hồi đó gia đình làm nông, tôi khuân vác nặng và bị cụp xương sống 2 lần, hồi phục ngay sau ít ngày, ai dè mấy chục năm sau nó "hành" trở lại" - ông M. kể.

Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, hiện tượng "sụm" chỉ sau một động tác thể dục - thể thao hay một cử động tưởng chừng vô hại thường chỉ là giọt nước tràn ly, chứ không phải chỉ vì động tác đó mà một người có thể bị chấn thương nặng ở cột sống hay ở các vị trí khác. Hiện tượng thoát vị đĩa đệm gây đau cột sống nặng hay đau thần kinh tọa, thường gặp ở người từng bị cụp xương sống hay bị thoái hóa cột sống.

Cụp xương sống thực ra là chấn thương ở các dây chằng vùng cột sống. Những dây chằng này còn có nhiệm vụ giúp đĩa đệm giữa các cột sống được giữ yên vị trí. Đó là lý do nhiều người bị cụp xương sống thời trẻ về già dễ bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa. Thoái hóa cột sống sớm cũng làm các hệ thống này bị yếu đi và dẫn đến tình trạng tương tự. Có nhiều người bị cả chấn thương cũ lẫn thoái hóa để rồi chỉ một động tác vô tình tạo áp lực lớn lên cột sống là "sụm".

Cúi xuống rồi xỉu luôn

Một số người khác gặp tình huống cúi xuống rồi choáng váng, té ngã như bà Trần Thị Mộng S. (55 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM). "Lần đó tôi cúi xuống nhặt chìa khóa, tự nhiên xây xẩm và té luôn, con cháu hoảng sợ đưa vào BV. May chỉ bị ngất nhưng BS nói tôi có bệnh tim…" - bà S. kể.

Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Đức Vũ, Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, không có chuyện vì một cái cúi mình mà ai đó có thể đột quỵ nhưng người trung niên, cao niên nên tránh những sự thay đổi tư thế đột ngột. Thông thường, choáng váng, muốn xỉu là do thay đổi huyết áp tư thế, ví dụ đang đứng mà vội cúi xuống nhặt đồ, đang nằm vội vàng đứng lên… 

Chỉ cần nghỉ ngơi một chút, bệnh nhân sẽ khỏe lại nhưng với một số trường hợp, nhất là người lớn tuổi, bị choáng váng có thể dẫn đến té ngã, chấn thương. Ngoài ra, thay đổi huyết áp tư thế có khi là dấu hiệu của một bệnh về tim mạch chưa được phát hiện.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe

Theo các BS, thực ra mọi sự việc đều có dấu hiệu ban đầu: người thoái hóa cột sống sẽ cảm thấy dễ bị đau lưng hơn trước đây; những cơn choáng nhẹ do vội đứng lên, cúi xuống... có thể là biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, xơ vữa động mạch gây thay đổi huyết áp tư thế...

Vì vậy với người trung niên, cao niên, việc đi khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, khi bệnh được phát hiện sớm, sẽ có các biện pháp ngăn chúng tiến triển và "sống chung với bệnh" như cách mang vác vật nặng đúng tư thế, cải thiện chế độ ăn, tập luyện...

Theo Người lao động