Phục hồi thị lực tối đa nhờ phương pháp Phaco
(Dân trí) - Một ca mổ đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco chỉ mất vài phút, sau đó, bệnh nhân có thể nhìn ở mọi khoảng cách và nhìn gần mà không cần đeo kính hỗ trợ. Bệnh nhân có thể ra viện ngay trong ngày và không để lại tổn thương ở mắt.
Theo PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu, hiện đục thể thuỷ tinh (ĐTTT) là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta (66%). Bệnh ĐTTT do nhiều nguyên nhân khác nhau: do tuổi già, chấn thương mắt, do ĐTTT bẩm sinh, ĐTTT do bệnh lý (sau viêm màng bồ đào, tiểu đường, tăng Galactose trong máu, bệnh Fabry, do sử dụng thuốc Steroid, Chlopromazine, Amiodarone... và liên quan đến một số bệnh mắt khác như: cận thị nặng, glôcôm)…
Trước đây, để phẫu thuật ĐTTT, người ta hay áp dụng phương pháp phẫu thuật ngoài bao. Để lấy nhân tinh thể ra ngoài, bác sĩ buộc phải rạch một đường rộng để lấy cả khối nhân ra ngoài. Vì thế, bệnh nhân phải nằm viện lâu sau hậu phẫu.
Phẫu thuật ĐTTT bằng phương pháp phaco có nhiều ưu việt, mang lại hiệu quả và an toàn cao trong điều trị ĐTTT, giúp bệnh nhân có thể đạt được thị lực tối ưu và phục hồi nhanh sau mổ, ít biến chứng và thời gian phẫu thuật rút ngắn và tỷ lệ thành công rất cao, hơn 90% bệnh nhân nhìn tốt sau phẫu thuật.…
Với phương pháp này, bác sĩ chỉ phải rạch một đường rạch rất nhỏ (từ 2,8 - 3,2mm) để đưa dụng cụ vào mắt tán nhuyễn thuỷ tinh thể bằng máy siêu âm, rồi dùng dụng cụ hút phần tinh thể đã được tán nhuyễn ra ngoài. Vì đường rạch nhỏ nên nhiều khi sau phẫu thuật Phaco không phải khâu vết mổ ở mắt.
Phương pháp này mang lại hiệu quả và an toàn cao trong điều trị ĐTTT, ít gây chấn thương các tổ chức nhãn cầu, giúp bệnh nhân có thể đạt được thị lực tối ưu và phục hồi nhanh sau mổ và thời gian phẫu thuật rút ngắn …
Đặc biệt, với phương pháp Phaco, không chỉ chữa ĐTTT mà có thể điều chỉnh cùng lúc các bệnh loạn thị, lão thị… giúp người bệnh nhìn hình ảnh tốt hơn. Như vậy, cùng một phẫu thuật Phaco, vừa có thể chữa được ĐTTT vừa chữa các bệnh loạn thị.
Tuy nhiên các thao tác phẫu thuật Phaco tương đối khó, đòi hỏi các phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Mặc dù đến nay nhiều tỉnh thành đã trang bị máy Phaco nhưng số phẫu thuật viên có thể thực hiện thành thạo còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn.
Nhằm đào tạo và hoàn thiện trình độ các bác sỹ nhãn khoa trên tòan quốc ứng dụng và thực hiện phẫu thuật ĐTTT bằng phương pháp Phaco tiên tiến một cách rộng rãi, Bệnh viện Mắt T.Ư phối hợp với Công ty Alcon Việt nam vừa tổ chức khóa đào tạo chuyên đề phẫu thuật Phaco với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu của Việt Nam và quốc tế đến từ Hội Nhãn Khoa Illinois (Hoa Kỳ), nhằm tạo điều kiện ngày càng nhiều người dân được chữa ĐTTT bằng kỹ thuật hiện đại này.
Hồng Hải