Phụ nữ sau sinh bị "soi" như thế nào?
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây của ĐH Michigan (Hoa Kỳ) cho thấy những phụ nữ sinh con đã phải chịu áp lực như thế nào từ người thân và những người xung quanh.
Nữ diễn viên Reese Witherspoon gần đây đã nức nở khi bị chỉ trích vì cho con ăn bánh quế với sữa vào buổi sáng. Còn cựu ngôi sao nhạc pop Jessica Simpson thì đau đầu khi bị công chúng chỉ trích về việc đăng ảnh con gái 5 tuổi mặc trang phục nàng tiên cá.
Còn theo người mẫu của Victoria's Secret cô Candice Swanepoel, cô cảm thấy xấu hổ khi cho con bú ở nơi công cộng sau sinh con đầu lòng vào tháng 10 năm ngoái.
Viết trên Instagram, cô chia sẻ: “Nhiều phụ nữ xấu hổ vì cho con bú ở nơi công cộng hay thậm chí họ bị đuổi khỏi những nơi này nếu cho con bú. Tôi không hiểu sao lại có cảm giác mình cần phải che giấu bầu ngực khi cho con bú ở nơi công cộng trong khi lại chẳng hề có cảm giác đó khi để ngực trần trong 1 sự kiện mang danh nghệ thuật?”.
Tuy nhiên, không chỉ người nổi tiếng bị công chúng soi xét mà ngay cả các bà mẹ bình thường cũng phải "gánh" những chỉ trích này và đáng buồn là nó đến từ chính những người xung quanh.
“Chết ngập” trong những lời khuyên
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học trường ĐH Michigan trong chương trình khảo sát quốc gia của bệnh viện Nhi C.S. Mott về sức khỏe trẻ em với 475 bà mẹ có ít nhất 1 con trong độ tuổi 1-5 tham gia, đăng tải trên C.S. Mott Children's Hospital National Poll on Children's Health, cho thấy:
60% phụ nữ báo cáo rằng họ thường xuyên bị chỉ trích về tác phong làm cha mẹ, hầu hết là từ các thành viên trong gia đình. Trong đó, 37% là từ cha mẹ đẻ, 36% là từ các ông chồng và 31% là từ bố mẹ chồng.
12% phụ nữ sinh lần đầu cho biết họ có cảm giác bị phán xét bởi một phụ nữ khác.
Một điều đáng kinh ngạc là 70% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy xấu hổ khi bị chỉ trích liên quan đến vấn đề kỷ luật. Đây là chủ đề ưa thích nhất trong những lời chỉ trích.
Bà Sarah Clark, đồng giám đốc chương trình khảo sát, lưu ý rằng vấn đề kỷ luật đặc biệt nổi trội do những quan điểm trái ngược nhau mang tính văn hóa, như vấn đề giờ giấc, cho trẻ khám phá hay không... trong gia đình.
Các lĩnh vực khác người mẹ trẻ hay bị chỉ trích là dinh dưỡng (52%), thói quen ngủ (46%); lựa chọn bú mẹ hay bú bình (39%), an toàn (20%), chăm sóc trẻ (16%)...
Bà Sarah Clark giải thích: “Phát hiện của chúng tôi tập trung vào những căng thẳng mà các bà mẹ phải đối mặt khi những tư vấn của bậc cao hơn khiến họ căng thẳng nhiều hơn là được bảo đảm và làm họ cảm thấy bị chỉ trích nhiều hơn là được hỗ trợ.
“Các bà mẹ có thể đã bị ngợp bởi có quá nhiều quan điểm mâu thuẫn trên con đường nuôi con “tốt nhất”.
“Những lời khuyên “tự nguyện” từ những người thân thiết nhất cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ đó không phải là người mẹ tốt. Điều này sẽ gây hại hơn là tốt lành”.
Tuy nhiên, cũng trong cuộc thăm dò này, 62% bà mẹ cho biết họ nhận được rất nhiều lời khuyên vô ích từ những người khác, trong khi 56% tin rằng mình bị đổ lỗi quá nhiều và trở nên không đáng tin khi chăm con của chính họ.
Và một nửa trong số những người được khảo sát cho biết họ chọn cách tránh những người hay khuyên nhủ nhưng cũng có 42% bà mẹ cho biết những lời chỉ trích đã thúc đẩy họ hành động (đi hỏi các chuyên gia y tế) khi họ cảm thấy không chắc chắn về sự lựa chọn của mình.
Phát biểu trên Scientdaily, bà Clark cho biết: “Các thành viên trong gia đình nên tôn trọng những bà mẹ có con nhỏ. Bởi họ có thể cập nhật nhanh và nhiều hơn những thông tin về sức khoẻ và an toàn cho trẻ em. Bởi những gì chúng ta đã từng làm "có thể không còn là lời khuyên tốt nhất”. Còn nếu thấy điều mình nói là cần thiết, hãy khuyên họ bằng thái độ đồng cảm và khích lệ".
Cuộc chiến giữa đi làm với mang thai và làm mẹ
Gần đây, ngày càng nhiều bà mẹ lên tiếng về cảm giác bị phán xét hay xấu hổ với các lựa chọn trong quá trình nuôi dưỡng con cái của mình và thai phụ hoàn toàn thất bại trong “cuộc chiến” này. Họ luôn bị nhìn nhận một cách tiêu cực dù họ có nghỉ thai sản hay không.
Nghiên cứu về thái độ của người lao động của các nhà khoa học ĐH Exeter chỉ ra những bà mẹ dành nhiều thời gian để chăm sóc trẻ sẽ luôn bị nhìn nhận là ít tận tâm và có trách nhiệm với công việc.
Trong khi những người tiếp tục làm việc sẽ bị xem là những người mẹ ít quan tâm đến con cái.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Thekla Morgenroth, những phát hiện gây nhiều tranh cãi này đã có thấy người phụ nữ đứng giữa “2 làn đạn”.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra thái độ tiêu cực của gia đình với những phụ nữ đi làm và thái độ tiêu cực của công ty đối với những phụ nữ nghỉ thai sản.
TS Morgenroth cho biết: “Những tác động này xảy ra bất chấp tuổi tác, giới tính, tình trạng cha mẹ đơn thân, quốc tịch... và nó cho thấy những thái độ này là phổ quát và phổ biến trong nền văn hóa của chúng ta”.
Trong số những người tham gia nghiên cứu, 70% là làm việc toàn thời gian; 71% chưa có con.
"Bạo hành tinh thần" từ trang mạng xã hội
Jaime Primak Sullivan, một ngôi sao trong seri Bravo của chương trình truyền hìnhJersey Belle (Mỹ), đã cảm thấy “phát ốm” khi nghe các cha mẹ phán xét những lựa chọn của các bà mẹ khác và đã làm 1 clip phản ứng mạnh mẽ điều này.
Cô cho biết trên Dailymail, chính các trang mạng xã hội đã khiến các bà mẹ bị “bạo hành tinh thần” và nghĩ rằng họ cần phải trở thành “bà mẹ hoàn hảo”.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy chính mạng xã hội, trong đó có facebook, là điều tồi tệ nhất cho sức khỏe tinh thần của người mẹ mới sinh con.
Sarah Schoppe-Sullivan, chuyên gia về Tâm lý và Khoa học Nhân văn, ĐH bang Ohio (Hoa Kỳ) cho biết các bà mẹ trẻ có triệu chứng trầm cảm và căng thẳng cao sau khi vào các trang mạng xã hội.
Hơn thế, tốc độ thông tin cao trên Facebook cũng liên quan với những căng thẳng gia tăng ở các bà mẹ mới sinh con.
Dựa trên dữ liệu khảo sát 721 bà mẹ, Sarah Coyne, ĐH Brigham Young và các cộng sự cho biết những bà mẹ thường xuyên so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội sẽ dễ bị trầm cảm, quá tải trong vai trò làm cha mẹ hơn và ít trở thành cha mẹ giỏi giang hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người mẹ trên có xu hướng mô tả bản thân tích cực trên các trang mạng xã hội. Điều này có thể đặc biệt đúng với những bà mẹ chịu áp lực phải trở thành cha mẹ hoàn hảo.
Nhân Hà