Đà Nẵng:

Phụ nữ phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng

(Dân trí) - Sáng 30/11, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP Đà Nẵng tổ chức lễ mít - tinh hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013.

Theo đó, chiến dịch phòng chống AIDS năm 2013 hướng tới mục tiêu ba không và chủ đề mà Việt Nam tập trung là tiếp tục thực hiện “Hướng tới không có người nhiễm mới HIV”.

Mục tiêu chính của Tháng hành động năm 2013 là thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 20120 và tầm nhìn 2030”, “Phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại…

Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013 tập trung vào truyền thông vận động thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV và tăng cường tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng; tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS; trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình, xã hội đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Lễ mít- tinh tháng hàng động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013 tại Đà Nẵng
Lễ mít- tinh tháng hàng động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2013 tại Đà Nẵng

Theo bác sĩ Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, tại Đà Nẵng, tính đến ngày 30/9/2013, toàn thành phố đã phát hiện 1.653 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 711 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS  và 409 ca tử vong do AIDS. Số ca nhiễm mới được báo cáo hàng năm có xu hướng duy trì ổn định trong vòng 5 năm gần đây với khoảng 130 ca nhiễm mới mỗi năm, trong đó 70 trường hợp là người Đà Nẵng. Địa bàn báo cáo có người nhiễm HIV bao phủ 7/7 quận, huyện và 56/56 xã, phường. Đối tượng lây nhiễm HIV tại TP Đà Nẵng đang có xu hướng  trẻ hóa với 70% tổng số người nhiễm của thành phố nằm trong độ tuổi từ 20 - 39 tuổi, được phát hiện nhiễm HIV khá muộn và có sự chuyển giới về mô hình lây nhiễm HIV trong đó lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và lây nhiễm qua đường tình dục không an toàn đang chiếm ưu thế.

Trong 3 năm gần đây, số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng, chiếm trên 40% trong các ca mới và mỗi năm có khoảng 7 -10 trường hợp phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV.

Số liệu thống kê nêu trên cho thấy HIV/AIDS tại TP Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khống chế làm giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan trộng vào cộng đồng dân cư qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. Tình hình trên đòi hỏi chúng ta cần có sự ứng phó toàn diện và kịp thời.

Khánh Hồng