Phòng viêm gan siêu vi: Không phải cứ “tá hỏa” đi tìm vắc xin

(Dân trí) - Phải nói ngay là viêm gan siêu vi trùng không chỉ có một loại viêm gan B, mà chính thức có tới 5 loại. Như vậy bức tranh tổng thể về viêm gan siêu vi “hoành tráng” hơn nhiều so với suy nghĩ mà dân chúng vẫn thường nghĩ. Vậy phải làm gì để đối phó?

90% người bị viêm gan siêu vi trùng (VGSVT) là loại A

 

May thay, trong số 5 loại siêu vi A, B, C, D, E thì thịnh hành ở Việt Nam chủ yếu là các loại B, C và A. Hai loại D và E thường gặp ở châu Phi, Ấn Ðộ , Trung Quốc, Pakistan. Như vậy số loại kẻ thù đã ít hơn nhưng nên nhớ rằng với hiểu biết hiện nay thì đây là những loại siêu vi trùng ác liệt nhất. Tỷ lệ nhiễm siêu vi trùng A, B và C ở Việt Nam hiện nay lần lượt là khoảng 90%, 18% và 1,8% - được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào vùng có dịch tễ cao.

 

Loại A tuy nhiều người mắc nhưng dường như lành, lây chủ yếu qua đường ăn uống: thực phẩm, nước nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm loại SVT này (HAV). Hầu hết bệnh nhân tự bình phục hoàn toàn, không bị tổn thương gan mạn tính, không tiến triển thành viêm gan mạn hay xơ gan.

 

Với khoảng 16 triệu người nhiễm loại B (HBV), Việt Nam sẽ có khoảng 4 triệu trường hợp chuyển sang viêm gan mạn tính (25%), dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Con đường lây chủ yếu là truyền từ mẹ sang con khi mang thai, tiếp theo là thông qua đường máu (truyền máu, đồ tiêm, đồ khám răng miệng không sạch, dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, giác hơi, xăm trổ, xỏ lỗ tai, vết trầy xước ...) và qua hoạt động tình dục.

 

Các đường lây nhiễm SVT loại C (HCV) giống hệt loại B và theo một số tài liệu thì tỷ lệ lưu hành ở Việt Nam không phải chỉ có 1,8% như nêu trên mà cao hơn: từ 4 -11%. Thật đáng sợ nếu biết rằng diễn biến bệnh thường kéo dài trong 10 - 20 năm và 85% người bệnh có thể chuyển mạn tính, 15-% chuyển thành xơ gan.

 

Mặt khác có tới nửa bệnh nhân ung thư gan có kết quả dương tính về HCV. Kèm thêm là tình trạng uống rượu phổ biến ở nước ta chắc chắn còn gây hại thêm cho cái gan đang phải chống chọi với viêm gan này.

 

"Tôi mắc VGSVT loại nào?"

 

Đến đây nhiều người sẽ càng mông lung tự hỏi: vậy tôi đang mắc VGSVT hay không, mắc loại gì? Công việc chẩn đoán không hề đơn giản như thao tác mà một số nơi đang vận hành. Thông tin mà người dân đang hiểu và cũng đang được hướng tới mới chỉ nhắm vào một khâu trong chuỗi các sự kiện – đó là làm xét nghiệm xem HbsAg là dương tính hay âm tính. Nếu thấy âm tính thì dường như đã yên tâm, còn cầm tờ giấy cho kết quả (+) thì cảm thấy rụng rời như đất sụt dưới chân vậy.

 

Xin nói ngay: trông vậy mà không phải vậy. Tôi cam đoan rằng ngay cả các thầy thuốc không có tham vọng tìm hiểu chu đáo về VGSVT thì cũng không thể tường tận được tất cả triết lý liên quan tới cách biện luận về thực trạng của một người bệnh (tiềm tàng), càng không thể đưa ra một khung giải pháp hợp lý để làm cho người dân đó được chăm sóc chu đáo.

 

Nhận định này có lý do của nó: để phục vụ cho chẩn đoán chính xác cần rất nhiều xét nghiệm mà phần lớn hoặc chưa sẵn có hoặc đắt tiền (ASL, ALT, HbsAg, anti-HbsAg, HbeAg với đột biến tiền nhân và đột biến BCP, anti-HbeAg, HBV DNA... mà đây mới chỉ là những xét nghiệm liên quan tới VGSVT loại B, đối với các loại khác còn hiếm hơn); có xét nghiệm rồi thì dựa vào những tiêu chí gì để nhận định bệnh nhân là người lành mang bệnh, đang ở giai đoạn cấp tính hoặc đã chuyển sang giai đoạn mạn tính.

 

Vậy cho nên lời khuyên ở đây là nhất thiết phải được khám và tư vấn bởi thầy thuốc chuyên khoa (thường là bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa) chứ không phải tá hỏa lên đi tìm nơi tiêm vắc xin và cho rằng thế là mình đã có được giải pháp triệt để.

 

Sống lành mạnh, tăng sức đề kháng- Biện pháp tối ưu

 

Một khó khăn nữa là công việc điều trị đối với người bệnh. Điều trị bằng thuốc hiện đang được nhiều người trông cậy: hiện có 4 nhóm thuốc chính Interferon, Lamivudin, Adefovir và Entecavir. Các kết quả đánh giá hiện tại cho thấy kết quả mà những thuốc này mang lại còn chưa mấy khả quan, trong khi đó lại cần dùng hàng năm, có tác dụng phụ, có tình trạng kháng thuốc và giá cả thì rất đắt.

 

Một đợt điều trị bằng Interferon khoảng 40 triệu đồng, một ngày điều trị bằng Adefovir là 250.000 đồng và phải kéo dài hàng năm! Xin nhắc lại đây mới là những điều trị cho VGSVT loại B, còn có thuốc cho những loại viêm gan khác nữa.

Sự khó chấp nhận này dường như là mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại đông, nam, bắc dược ở dạng thô hoặc chế biến thành thương phẩm chiếm lĩnh. Không có bằng chứng nào cho thấy các cách trị liệu rẻ tiền này giải quyết ổn thỏa nhóm bệnh lý phức tạp kể trên.

 

Nhưng may thay giải pháp căn bản lại nằm ngay trong mỗi chúng ta. Một mặt chúng ta can thiệp bằng những giải pháp cụ thể. Ví dụ: “Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, đã cho phép lưu hành trở lại các lô vắc xin viêm gan B thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia do LG sản xuất (lô UVX05028, UVX06006) và  do Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 sản xuất (lô B-BR010406; B-BR041106)” - Ít ra thì cũng chống được một loại cho nên nói đáng quý là như vậy.

 

Mặt khác những thông tin về các con đường lây nhiễm được đưa ra ở trên vạch cho chúng ta thấy cần phải ăn sạch hơn, sống lành mạnh hơn và đòn quyết định nhất là phải nâng cao thể trạng, sức đề kháng - điều này dường như đã và đang được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đừng hoảng sợ nhưng hãy biết lo cho cơ thể mình một cách sáng suốt.

 

TS, BS Lương Chí Thành

Phó Giám đốc Viện Lão khoa Việt Nam