Phòng tăng huyết áp: Giảm muối, tăng can-xi và kali

(Dân trí) - Có khoảng 9,7 triệu người trong cộng đồng gặp những bất lợi về sức khỏe về tình trạng tăng huyết áp. Trong đó có khoảng 51,6% số người không hiểu biết về bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là về các biện pháp phòng chống.

Muối natri trong thức ăn, thủ phạm chính có nguy cơ làm tăng huyết áp (ảnh internet)

Muối natri trong thức ăn, thủ phạm chính có nguy cơ làm tăng huyết áp (ảnh internet)

 
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Võ Hinh về biện pháp phòng chống bệnh tăng huyết áp bằng dinh dưỡng:
 
"Một trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp ở khẩu phần thức ăn hàng ngày là lượng muối natri. Chúng là thủ phạm chính làm tăng huyết áp cần được quan tâm. Trái lại bên cạnh đó, nếu ăn nhiều chất calci và kali thì có thể làm giảm bớt nguy cơ tăng huyết áp.
 

Muối natri trong khẩu phần thức ăn hàng ngày được đưa vào cơ thể từ sự cung cấp bởi hai nguồn chính là phần cho thêm vào thức ăn và phần có sẵn trong thực phẩm. Phần cho thêm vào thức ăn bao gồm muối, nước mắm, mì chính... phụ thuộc vào khẩu vị của từng người. Phần có sẵn trong thực phẩm là lượng muối được cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản như các loại thực phẩm đóng hộp, hun khói, sấy khô, ướp muối... và nguồn sẵn có tự nhiên trong thực phẩm.

 

Tính thấm của màng thế bào đối với muối natri có thể có yếu tố di truyền, do đó trong cơ địa của mỗi người sẽ có sự hấp thu khác nhau; có người nhạy cảm với muối, ngược lại có người không nhạy cảm với muối. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chế độ ăn mỗi ngày không được vượt quá 6 gam muối natri, đây là giới hạn hợp lý để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Trong thực đơn ăn hàng ngày cần hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhanh, các loại thực phẩm chế biến sẵn vì các loại thức ăn, thực phẩm này thường có chứa nhiều muối natri.

 

Một số thực phẩm dùng hàng ngày có chứa nhiều muối natri được tính bằng đơn vị miligam trong 100 gam thực phẩm gồm hạt, rau và quả dùng làm rau như cần tây 96mg, đậu cô ve 96mg, rau húng quế 91mg, cải xoong 85mg; thịt và sản phẩm chế biến sẵn như gan lợn 110mg, thịt cừu 91mg, thịt bò loại một 83mg; cá và các thủy sản như tôm đồng 418mg, sò 380mg, cua biển 316mg, cá trích 160ng, cá thu 110mg, cá ngừ 78mg; trứng gia cầm như lòng trắng trứng gà 215mg, trứng vịt 191mg, trứng gà 158mg; sữa và sản phẩm chế biến từ sữa như sữa bò tươi 380mg. Cần biết hàm lượng muối natri của các loại thực phẩm dùng hàng ngày để sử dụng, điều chỉnh một cách hợp lý nhằm bảo đảm yêu cầu, không tạo yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp.

 

Ngược lại với muối natri, việc thực hiện chế độ ăn hàng ngày bằng cách tăng lượng chất can-xi trong khẩu phần ăn có ảnh hưởng làm giảm huyết áp. Tác dụng làm giảm huyết áp của chế độ ăn nhiều chất can-xi có thể còn phụ thuộc vào tình trạng hấp thu chất muối natri. Chế độ ăn ít chất can-xi làm tăng tác dụng tăng huyết áp với khẩu phần ăn nhiều muối natri trên một cơ thể có nhạy cảm đối với muối và chế độ ăn nhiều chất can-xi có tác dụng ngăn chặn sự tăng huyết áp của khẩu phần ăn có nhiều muối natri, đặc biệt đối với người tăng huyết áp có nhạy cảm đối với muối. Việc sử dụng thực phẩm có nhiều chất can-xi còn có tác dụng dự phòng tăng huyết áp đối với phụ nữ có thai. Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp nguồn chất can-xi rất tốt cho cơ thể. Vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này nếu trong khẩu phần thức ăn hàng ngày sử dụng có chứa nhiều muối natri để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp.

 

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất kali cũng có lợi cho người tăng huyết áp. Kali được phân bố rộng rãi trong các loại thực phẩm và thay đổi khác nhau tùy theo nhóm thực phẩm. Mỗi khẩu phần ăn hàng ngày trung bình có khả năng cung cấp khoảng 2,5-3 gam chất kali. Các thức ăn có nguồn gốc thực vật như khoai củ, đậu đỗ và các loại rau quả đều có nhiều chất kali. Nhóm rau quả cung cấp nhiều chất kali nhất là khoai tây, su hào, bí đao, đậu đỗ, chuối và các loại rau khác. Sữa cũng có nhiều chất kali, tiếp đến là thịt, trứng và các loại ngũ cốc. Đối với những người có tiền sử gia đình tăng huyết áp, nếu sử dụng chế độ ăn có nhiều chất kali mỗi ngày từ 4 đến 5 gam có thể làm giảm huyết áp.

 

Như vậy để phòng ngừa tăng huyết áp, khẩu phần thức ăn hàng ngày cần phải hạn chế bớt các loại thực phẩm có chứa nhiều muối natri, nên tăng cường dùng các loại thực phẩm có nhiều chất calci và kali. Nên nhớ rằng muối natri là thủ phạm chính gây nguy cơ làm tăng huyết áp, người bình thường không nên sử dụng quá 6 gam mỗi ngày; đối với người tăng huyết áp chỉ nên ăn dưới 4 gam mỗi ngày".

 

 Dự án quốc gia phòng, chống tăng huyết áp trong dự án thành phần phòng, chống các bệnh không không lây nhiễm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế

 

Các hoạt động chính của dự án này gồm hoạt động quản lý là xây dựng hệ thống mạng lưới giám sát, kiểm soát bệnh tăng huyết áp từ trung ương đến các địa phương; hoạt động khám sàng lọc tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tim mạch; hoạt động tập huấn, đào tạo; hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; hoạt động giám sát...

 

Trong quá trình triển khai, năm 2009 đã xây dựng mô hình hoạt động thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố. Năm 2010 và 2011 đã tổ chức hoạt động khám sàng lọc và quản lý tăng huyết áp tại 16 tỉnh, thành phố; hoạt động tập huấn, đào tạo, truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống tăng huyết áp trên 63 tỉnh, thành phố.

 
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh