Phòng tai nạn thương tích trong mùa hè

(Dân trí) – Theo BS Nguyễn Văn Lộc – Phó GĐ Viện Nhi TƯ, tai nạn điện, tai nạn giao thông, chết đuối, leo trèo ngã gãy tay chân… luôn là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh có con ở tuổi đến trường trong mùa hè. Và trên thực tế, hè nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận những ca cấp cứu trẻ và chủ yếu là do tai nạn thương tích.

Những kiểu tai nạn thường gặp

 

BS Lộc cho biết, tuỳ từng độ tuổi mà lại có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Đôi khi, chính tổ ấm của gia đình lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì có quá nhiều đồ đạc, vật dụng cá nhân, điện, phích nước. Trong một nghiên cứu cho thấy, nhà là nơi xảy ra các tai nạn thương tích cao nhất.

 

Đặc biệt với lứa tuổi chập chững 2 – 3 tuổi, trong mùa hè, dù có bà, người lớn trông vẫn có nguy cơ. Chỉ cần sơ sểnh, không để ý bé một chút, bé có thể thò tay vào ổ điện, với phích (bình nước nóng) trên bàn… dễ gây bỏng hay điện giật rất nghiêm trọng.

 

Bác sĩ Lộc cho biết, cũng có trường hợp, bà đổ hết đồ chơi ra sàn cho bé chơi nhưng lại không để ý tới những đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, sau đó chặn các cửa bằng ghế để bé không bò qua được… rồi yên tâm vào bếp chuẩn bị cơm nước. Vì thế, có nhiều bé đã cho những đồ chơi nhỏ vào miệng, bị trôi xuống họng gây hóc, nguy hiểm hơn, những vật nhọn chui xuống ruột có thể đâm thủng ruột.

 

Mùa hè nóng nực, không riêng gì ở nông thôn, mà ngay tại Hà Nội hè nào cũng có trẻ chết đuối do bơi ở ao hồ. Bên cạnh tai nạn ao hồ, tai nạn do leo trèo cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nhất là vào mùa hè có rất nhiều các loại hoa trá, trẻ trèo lên hái có thể bị ngã ngãy tay, chân, thậm chí bị tử vong. 

 

Tai nạn điện ngoài do những đồ dùng bằng điện trong nhà gây nên phải kể đến tai nạn điện cao thế. Những trường hợp tai nạn điện này rất hay gặp ở trẻ em nông thôn. Các em đi thả diều, khi diều bị vướng vào dây điện thì không ngần ngại leo lên cột điện để lấy diều. Tai nạn điện kiểu này hè nào cũng chiếm một số lượng rất lớn.

 

Quan tâm trẻ - Ưu tiên số 1

 

Theo BS Lộc, để phòng chống tai nạn thương tích cần quan tâm đến trẻ em đặc biệt trẻ nam, nhóm tuổi 10 đến 14 tuổi. Chú trọng đến cắc chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đống. Đặt các biển báo, biển cấm ở không nơi nguy hiểm không cho trẻ em đến gần, leo trèo gây tai nạn.

 

Bên cạnh đó, gia đình phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của trẻ, trong nhà xếp đồ đạc gọn gàng, đồ điện, phích nước nóng phải để trên giá cao, chắc chắn để trẻ không với tới được. Cần thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao hồ khi không có người lớn. Khi có sự quan tâm, nhắc nhở đúng mực của phụ huynh sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Hồng Hải