Phòng ngừa lây nhiễm lao

(Dân trí) - Lịch sử của bệnh lao tương đương với lịch sử loài người. Hàng trăm thế kỷ trôi qua, nó vẫn lây lan và giết hơn 2 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Tỉ lệ tử vong do lao nhiều hơn cả AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh nhiệt đới cộng lại.

 

Phòng ngừa lây nhiễm lao - 1



 Lao (TB) là một bệnh lây truyền qua tiếp xúc và có thể lây lan qua không khí như các bệnh cảm cúm. Khi người nhiễm có vi khuẩn lao trong phổi ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ hay hát hò, vi khuẩn sẽ “bắn” vào không khí và có thể bị người khác hít phải.

 
Căn bệnh “truyền thống” này đã đặt hệ thống y tế thế giới trong tình trạng khẩn cấp dù việc điều trị là hoàn toàn trong khả năng và chi phí cũng không hề đắt đỏ. Nhân ngày phòng chống lao thế giới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và phòng ngừa căn bệnh này.

 

 

Cứ 3 người có 1 người nhiễm lao

 

Nhiễm lao khác với bệnh lao. Có hơn 2 tỉ người, tức là 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao. Thật may mắn là không phải tất cả những người bị nhiễm lao này đều phát bệnh. Trong một số trường hợp, các vi khuẩn này hiện diện trong cơ thể nhưng không “nhân bản”. Cứ 10 người có 1 người có biểu hiện lao ở một giai đoạn nào đó hay trong cả cuộc đời. Nếu hệ thống miễn dịch cơ thể không đủ sức, chúng sẽ trỗi dậy và người đó sẽ bị lao.

 

Đó là lý do tại sao những người sống chung với HIV có nguy cơ bị lao tiến triển cao hơn, do hệ miễn dịch của họ bị suy yếu.

 

Xấp xỉ khoảng 1.770.000 người trên toàn cầu đã chết vì lao trong năm 2007; 456.000 người trong số này là nhiễm virus HIV. Nếu không điều trị, một người mắc lao tiến triển sẽ gây bệnh cho 10-15 người mỗi năm.

 

Vì những lý do trên, việc điều trị HIV luôn kết hợp cùng điều trị lao.

 

Biểu hiện của người mắc lao

 

Ho kéo dài trên 2 tuần

Đau ngực

Cơ thể mệt mỏi và yếu ớt

Mất cảm giác thèm ăn và giảm cân

Ra mồ hôi trộm ban đêm dù trời rất lạnh

Ho ra máu

 

Những người có nguy cơ bị lao

 

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi

Những người mắc các bệnh như tiểu đường hay HIV/AIDS

Những người nghiện rượu và các thuốc gây nghiện

Những người có chế độ dinh dưỡng kém

Những người thường xuyên bị stress

Những người sống trong môi trường không thoáng khí và quá đông đúc.

 

Các bước phòng lao

 

Che miệng khi ho và hắt hơi

Dinh dưỡng cân bằng với chế độ ăn bao gồm thịt, cá, trứng, đậu đỗ, bánh mỳ nâu, rau xanh và hoa quả…

Những người nghiện rượu cần giảm rượu bởi vì nó sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, ảnh hưởng tới việc điều trị.

Hút thuốc gây nguy hại cho phổi và có thể gây ra bệnh tim, ung thư phổi

Thường xuyên tắm nắng, hít thở không khí trong lành, luyện tập và sống trong môi trường sạch sẽ; thường xuyên mở cửa sổ khi ở nhà hay nơi làm việc.

 

TPHCM: 20% bệnh nhân lao là người nhập cư

 

Hàng năm, TPHCM có khoảng 13.000 bệnh nhân lao kháng thể, gần 8.000 bệnh nhân lao phổi có vi trùng trong đàm được phát hiện và điều trị. Người lao động nhập cư mắc bệnh lao chiếm đến 20% số bệnh nhân lao điều trị tại TP.

 

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm Việt Nam có khoảng 154.000 người mắc lao các thể, trong đó số người mắc lao phổi có vi trùng lao trong đàm chiếm tới 70.000 người.Việt Nam hiện đứng hàng thứ 12/22 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.

 

Tại TPHCM, người lao động nhập cư, tạm trú chiếm đến 20% số bệnh nhân lao điều trị tại đây. Trong đó, bệnh nhân nữ ở lứa tuổi từ 25-34 tuổi chiếm phần lớn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng và chất lượng lao động.

 

Theo đánh giá của ThS. BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), người nhập cư thường chữa trị không đúng cách, hay tự ý ngưng điều trị giữa chừng nên dễ dẫn đến lây lan bệnh lao trong cộng đồng. Do đó, cần có sự hợp tác mới và mạnh mẽ hơn để đưa dịch vụ chăm sóc lao phổ biến thêm nữa.

 

Thời gian tới, TPHCM sẽ đẩy mạnh các hoạt động phòng chống và khám chữa lao, tạo mối liên kết giữ các đơn vị y tế khám chữa lao công lập với các bệnh viện, phòng khám lao tư nhân để kiểm soát tốt việc điều trị đúng cách, tránh hiện tượng bỏ điều trị ở bệnh nhân.

 

Hiện nay, chi phí điều trị cho bệnh nhân trong chương trình phòng chống lao quốc gia đều được miễn phí hoàn toàn. Thế nhưng, công tác phòng chống lao tại thành phố vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của HIV lên kết quả điều trị lao. Trong 5 năm trở lại đây, 1,9% bệnh nhân nhiễm lao phổi mới đều đã có bệnh nền là HIV, chủ yếu ở nhóm bệnh nhân nam tuổi từ 15-24.

Ngọc Thanh

 
Nhân Hà