Phòng ngừa đổ mồ hôi trộm vào ban đêm

(Dân trí) - Trong một số trường hợp, đổ mồ hôi được coi là có lợi cho sức khỏe, giúp hạ thân nhiệt tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này vào ban đêm lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Làm gì để khắc phục hiện tượng này?

Phòng ngừa đổ mồ hôi trộm vào ban đêm - 1


Đâu là nguyên nhân của hiện tượng đổ mồ hôi đêm và đổ mồ hôi lạnh?

 

- Do nhiệt độ của phòng ngủ quá cao, do ác mộng hay do mộng du, sự ngừng thở khi ngủ.

 

- Do xổ mũi hoặc cúm: chứng đổ mồ hôi đêm có thể là dấu hiệu cơ thể đang chống lại sự nhiễm vi rút như hiện tượng sốt cũng như xổ mũi, cúm hoặc chứng tăng bạch cầu đơn nhân.

 

- Do sợ hãi, lo lắng hoặc stress: sự tăng tiết adrenalin gây ra bởi cảm xúc mãnh liệt hay nỗi đau đớn có thể làm kích thích tuyến mồ hôi và kéo theo sự co mạch, khiến chảy mồ hôi và cảm giác lạnh.

 

- Mức đường huyết giảm: giảm tỷ lệ đường trong máu có thể gây ra đổ mồ hôi lạnh. Điều đó có thể gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, những người cắt dạ dày.

 

Đổ mồ hôi đêm là sự đổ mồ hôi xảy ra vào ban đêm, biểu hiện qua hiện tượng mồ hôi đầm đìa từ đầu tới chân làm quần áo và chăn gối đều ướt đẫm. Trong khi đó, đổ mồ hôi lạnh là trường hợp đổ mồ hôi đi liền với hiện tượng run lập cập vì lạnh và da hơi ướt. Đổ mồ hôi lạnh cũng có thể xảy ra vào đêm.

- Chứng đau nửa đầu: đôi khi cơn đau đớn cùng với những triệu chứng khác của đau nửa đầu có đi kèm mồ hôi lạnh.

 

- Một vài căn bệnh nguy hiểm: bệnh lao, bệnh AIDS, viêm gan, bệnh sốt rét, phì đại tuyến giáp, ung thư máu... có thể gây đổ mồ hôi nhiều

 

- Chứng nhồi máu cơ tim: mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn đau tim dù cơn đau lồng ngực thường đến trước.

 

- Xuất huyết trong: hiện tượng này dẫn tới giảm huyết áp - nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi lạnh và các triệu chứng khác.

 

- Kiệt sức bởi nóng: gây đổ mồ hôi lạnh và có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể.

 

Lời khuyên cho tất cả chứng đổ mồ hôi

 

- Tránh thức uống có cồn, cafein, thuốc lá trước khi đi ngủ vì chúng làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp cũng như nhiệt độ cơ thể.

 

- Tránh tắm hơi trước khi ngủ vì nó làm tăng nhiệt độ cơ thể.

 

- Không nên ăn đồ ăn có quá nhiều gia vị và coi chừng đồ uống nóng trước giờ ngủ.

 

- Uống nhiều nước: nếu ra mồ hôi nhiều, hãy trữ nước trong cơ thể bằng cách uống 12 cốc nước mỗi ngày, hơn 4 cốc so với mức trung bình. Nên uống một cốc trước khi đi ngủ.

 

- Điều chỉnh nhiệt độ phòng thích hợp: dùng quạt, điều hoà.

 

- Tắm nước ấm hoặc nước mát để làm mát cơ thể trước khi đi ngủ.

 

- Dùng aspirin hoặc acetaminophen nếu cần: nếu bị sốt do cúm, đau mỏi do bệnh đau nửa đầu thì có thể dùng các loại thuốc trên.

 

- Nghỉ ngơi: nếu mắc chứng tăng bạch cầu đơn nhân, xổ mũi hoặc cúm, tốt nhất là nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn uống điều độ.

 

Hoa Ly

Theo Sante