Phòng khám tư nhân chữa bệnh “khó nói” giá cao chót vót

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bản thân bà khi đi kiểm tra tại phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài phát hiện nhiều sai phạm như: sổ sách bệnh án không có; Chọn chữa bệnh khó nói không bệnh án; giá dịch vụ cao để kiếm lợi nhuận… và người bệnh vẫn lặng lẽ đến dù phòng mạch thu cao.

Người dân vẫn lặng lẽ đến phòng mạch giá cao

Trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội chiều 14/4, khi có ý kiến cho rằng tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài tồn tại quá nhiều vấn đề, sai phạm về chuyên môn, quảng cáo, nghiêm trọng hơn xảy ra tử vong khi khám chữa bệnh tại y tế tư nhân… Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận thực tế này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội. Ảnh: Việt Hưng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội. Ảnh: Việt Hưng.

“Bản thân tôi khi đi kiểm tra tại các phòng khám này phát hiện đúng là tồn tại nhiều sai phạm như các đại biểu phản ánh như sổ sách không có; chọn chữa bệnh khó nói không bệnh án; giá dịch vụ cao để kiếm lợi nhuận; dùng những thủ thuật, kỹ thuật không đảm bảo an toàn, rất dễ gây tai biến”, Bộ trưởng Tiến nói.

Theo bà Tiến, để kiểm soát các hoạt động của phòng khám có yếu tố nước ngoài, cơ quan chức năng đã tăng cường thanh kiểm tra, đã rút giấy phép, rút chứng chỉ hành nghề, tăng cường quản lý chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó có kết hợp tuyên truyền cho người dân, nhưng thực tế “phòng mạch thu cao, người dân vẫn lặng lẽ đi đến”.

“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện tốt tiêu chí phân hạng phòng khám tư nhân, chấm điểm phòng khám tư nhân như Bệnh viện công lập và sẽ công khai thông tin để người dân nắm được. Thí điểm này sẽ bắt đầu thực hiện tại TP Hồ Chí Minh”, bà Tiến khẳng định.

Trước ý kiến của đại biểu Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng y tế tư nhân đang phát huy hiệu quả hơn y tế công lợp, tỉ lệ vi phạm công lập cao hơn và đề nghị Bộ Y tế có chủ trương, chính sách phát triển y tế tư nhân, Bộ trưởng Tiến cho biết, chiến lược ngành y, Chính phủ cũng ưu tiên phát triển y tế tư nhân, khuyến khích kết hợp công tư.

“Bộ Y tế đặt ra chỉ tiêu giường bệnh tư nhân chiếm 20% trong tổng số giường bệnh nhằm tăng khả năng lựa chọn cho bệnh nhân, dịch vụ tốt hơn, giúp giảm tải, khuyến khích đầu tư, tạo công bằng”, nữ Bộ trưởng khẳng định.

Nhưng nếu nói y tế tư nhân chất lượng hơn công lập thì chưa đầy đủ. Bởi trong đợt chấm điểm bệnh viện vừa qua (có hình thức tự chấm, đoàn chấm) thì chất lượng cao nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp sau đó là tuyến tỉnh, huyện và tư nhân thấp nhất.

“Cá nhân tôi rất chia sẻ với bệnh viện tư bởi nhân lực, nguồn vốn họ bỏ ra. Vì thế giải pháp của Bộ Y tế nhằm tăng cường chất lượng bệnh viện tư, đó là sẽ thực hiện chủ trương bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện tư nhân. Các BV tư hoàn toàn trở thành vệ tinh của bệnh viện công để được chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện tư nào có yêu cầu Bộ Y tế đều ủng hộ để chuyển giao công nghệ”,Bộ trưởng Bộ y tế khẳng định.

Giữ bệnh nhân đến mất cơ hội điều trị là cá biệt!

Về câu hỏi có đại biểu có hay không việc tuyến dưới cố giữ bệnh nhân nặng lại, không chịu chuyển, đến khi chuyển thì đã quá muôn, Bộ trưởng khẳng định: “Đó chỉ là những trường hợp cá biệt. Nguyên tắc, không ai muốn giữ bệnh nhân nặng để tử vong, việc kiểm thảo tử vong với các y bác sĩ hết sức nặng nền, thậm chí giữ bệnh nhân nặng lại còn khiến bệnh viện tốn kém hơn…

Có những trường hợp chuyển viện thì bệnh nhân có thể tử vong trên đường nên bệnh viện không thể chuyển tuyến. Ngoài ra, Bộ Y tế có quy định rõ ràng về quy chế chuyển viện, nếu cơ sở cố tình giữ bệnh nhân lại để tử vong thì sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.

Về câu hỏi của đại biểu có còn tình trạng nằm ghép tại tuyến Trung ương, Bộ trưởng cho biết nhờ áp dụng nhiều giải pháp tổng thể, tỷ lệ chuyển viện từ tỉnh lên tư giảm hẳn. Tuyến TƯ nằm ghép giảm hẳn, chỉ còn một số BV như BV Bạch Mai, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng còn nằm ghép nhưng không phải tất cả các khoa, mà chỉ ở các khoa trong lúc mùa dịch.

Tổng kết phần trả lời của Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 13 người tham gia tranh luận. Có nhiều câu hỏi của các đại biểu chưa trả lời, Bộ trưởng sẽ gửi trả lời bằng văn bản đến các đại biểu và các đoàn đại biểu

Hồng Hải