1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Phòng dịch “tay, chân, miệng” như thế nào?

(Dân trí) - Biểu hiện rõ nhất của hội chứng “tay, chân, miệng” là rối loạn tiêu hoá và xuất hiện các nốt phồng màu đỏ có bọng nước ở chân, tay, miệng. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: Biến chứng nặng nhất của bệnh là gây viêm não dẫn tử vong.

Theo bác sĩ Lộc, Viện Nhi T.Ư tuy chưa tiếp nhận trường hợp nào mắc hội chứng “tay, chân, miệng” do chủng enterovirus type 71 gây ra nhưng bệnh viện lại tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh do enterovirus các type khác gây nên, biểu hiện phổ biến là tiêu chảy, sốt cao.

 

Biểu hiện của bệnh

 

Bệnh “tay, chân, miệng” chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, lây lan rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do nhóm virus đường ruột gây nên và dịch đang xảy ra ở một số tỉnh ở nước ta hiện nay, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM đã khẳng định do enterovirus 71.

 

Bác sĩ Lộc cho biết, triệu chứng điển hình của bệnh là sốt cao đột ngột, kém ăn, sưng họng, sau đó bệnh nhân bị co giật, nôn, đi ngoài, rơi vào tình trạng li bì, hôn mê. Một dấu hiệu đặc trưng khác của enterovirus 71 là xuất hiện những nốt phỏng có bọng nước xung quanh mồm, ở rìa bàn tay, bàn chân.

 

Bệnh lây lan nhanh từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, nhưng lây phổ biến nhất là qua đường tiêu hoá, phân, đồ thải, chất nôn của bệnh nhân... Enterovirus 71 có thể tồn tại  trong nước ăn, nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày.

 

Biến chứng của bệnh

 

Những bệnh nhân bị hội chứng “tay, chân, miệng” được điều sớm có thể khỏi và không để lại di chứng. Nhưng điều trị muộn, bệnh nhân bị sốt rất cao dễ dẫn đến tử vong. Nếu enterovirus tấn công vào đúng trung tâm điều hoà nhiệt của trẻ sẽ khiến trẻ bị sốt cao liên tục từ 41 độ trở lên, không thuốc nào có thể hạ sốt được.

 

Bệnh nhi cũng có thể tử vong do virus tấn công vào não gây phù não. Trẻ phù não bị rơi vào tình trạng hôn mê, làm trung tâm hô hấp và tim mạch không điều tiết được khiến trẻ bị tử vong.

 

Do vậy, khi phát hiện thấy những nốt phỏng có bọng nước quanh miệng, tay, chân cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị tốt nhất, tránh biến chứng có thể dẫn đến tử vong.

Các biện pháp phòng chống dịch “tay, chân, miệng”

 

Đến nay vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị bệnh mà chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, ăn từ từ từng ít một. 

 

Do hiện nay chưa có văcxin phòng bất kỳ chủng enterovirus nào nên biện pháp quan trọng bậc nhất vẫn là giữ vệ sinh sạch sẽ.

 

Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt trước khi ăn uống, chuẩn bị đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau mỗi lần thay tã cho trẻ; Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloraminB.

 

Khi phát hiện người bệnh cần cách ly, tránh những tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ; Thực hiện vệ sinh ăn uống bằng ăn chín uống sôi, súc miệng bằng các nước sát khuẩn...

 

Box: PGS.TS Nguyễn Văn Bình, Phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thành viên trong đoàn chuyên gia dịch tễ vào khảo sát tình hình bệnh “chân, tay, miệng” tại Ninh Thuận cho biết, đến nay, có 150 bệnh nhân bị hội chứng “tay, chân, miệng” ở Ninh Thuận, 90 ở Kiên Giang và gần 30 ở Bình Định. Dự báo, bệnh vẫn có nguy cơ tiếp tục lây lan.

 

Hồng Hải