Phòng dịch bệnh mùa nắng nóng

(Dân trí) - Mùa nắng nóng cộng với mưa nhiều là yếu tố thuận lợi để các dịch bệnh phát triển nhanh. Trong mùa hè rất dễ mắc các bệnh về tiêu hoá, sốt xuất huyết và nguy hiểm nhất là bệnh viêm não. Các bệnh này lây truyền nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

1. Sốt xuất huyết

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, từ đầu 2006 tới nay, cả nước có 8.000 người bị sốt xuất huyết. Thời điểm này chưa phải là đỉnh của dịch sốt xuất huyết, chắc chắn, bệnh sẽ còn phát triển mạnh trong những tháng tới, cả ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

 

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, cho đến nay bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị và văcxin phòng. Biến chứng nặng nhất của bệnh có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) xuất huyết ồ ạt nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị đúng.

 

Bị sốt xuất huyết thường có triệu chứng: sốt cao đột ngột 39 - 410C, sốt liên tục từ 2 - 7 ngày. Xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da, mảng xuất huyết, ói mửa. Diễn tiến bệnh tăng có thể gây trụy tim mạch. Lúc này, trẻ thường hết sốt nhưng mệt, quấy khóc, tay chân lạnh, vã mồ hôi…

 

2. Viêm não Nhật Bản

 

Ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, mùa nắng nóng, thường xảy ra dịch viêm não, trong đó, phần lớn là viêm não Nhật Bản. Trẻ bị viêm não Nhật Bản chủ yếu là do muỗi Culex đốt. Đỉnh cao dịch viêm não Nhật Bản từ tháng 6 đến tháng 7. Khoảng 60-70% trường hợp mắc bệnh là trẻ em, thường ở lứa tuổi 2-7.

 

Virus gây viêm não Nhật Bản có thể tồn tại trong lợn, các loài chim hoang dại. Khi muỗi cái hút máu của lợn, nó sẽ hút theo các virus và sẽ đốt truyền sang người. Tuy nhiên, bệnh không truyền từ người này sang người khác, việc ăn thịt lợn nhiễm virus viêm não Nhật Bản cũng không làm lây bệnh.

 

Thời gian ủ bệnh viêm não Nhật Bản thường sau 4-8 ngày. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường kém ăn, có các triệu chứng như sốt nhẹ, sổ mũi, tiêu chảy,  nhức đầu, nôn mửa... và có thể có rối loạn tâm lý. Trong trường hợp nặng, trẻ có thể bị co giật, động kinh, sốt cao.

 

Nếu không được điều trị, người bệnh bị rối loạn ý thức, sốt cao, diễn tiến ngày càng nặng và có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp tốt, các triệu chứng sẽ giảm dần và người bệnh có thể khỏi hẳn.

 

3. Bệnh về đường tiêu hoá

 

Thời điểm chuyển mùa xuân sang hè là điều kiện lý tưởng để bệnh về đường tiêu hoá phát triển. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ bệnh viện Nhi Trung ương, tiêu chảy do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng đầu tiên phải kể đến là do ăn phải thức ăn nhiễm độc và ăn thức ăn nhiễm khuẩn.

 

Giai đoạn này, ruồi muỗi phát triển nhiều, chúng có thể đậu ở những nơi ô nhiễm như phân, rác, xác súc vật chết rồi đậu vào bát đĩa, thức ăn, đồ uống của người. Khi ăn những đồ này, rất dễ bị tiêu chảy, tả, lỵ, viêm ruột. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và dễ lây lan thành dịch.

 

Bệnh nhân có những biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, nôn oẹ. Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

Phòng các dịch bệnh như thế nào?

 

Cần tăng cường vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét cống rãnh, ao hồ, không để nước tù đọng, diệt muỗi, diệt bọ gậy ở chum, vại, bồn, chậu chứa nước, nằm màn... Chú ý không cho trẻ chơi ở các vùng ẩm thấp, nhiều hoa nhãn, vải có rất nhiều ruồi, muỗi. 

 

Phải chú ý tiêm vắcxin phòng dịch. Cần tiêm văcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ ngay từ đầu mùa dịch, vì sau tiêm từ 2 đến 3 tháng mới sinh ra kháng thể chống lại virus. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc khuyến cáo, dù đã được tiêm phòng cũng phải thận trọng, trẻ đã tiêm văcxin này vẫn có thể vẫn bị viêm não do các loại virus khác. Mọi người trong vùng có nguy cơ lây nhiễm theo đường hô hấp phải đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng mũi, tránh tiếp với người bệnh.

 

Ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi. Chọn thức ăn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn rau sống, không uống nước lã… 

 

Hồng Hải