Phòng chống rệp hút máu
(Dân trí) - Rệp là loài côn trùng đốt máu đã có một thời hoành hành, gây phiền hà cho con người trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng sau đó nó đi vào dĩ vãng. Nhưng nay nó đã quay trở lại. Vậy loài rệp này có đặc điểm gì và cách phòng, chống như thế nào?
Rệp hút máu được tìm thấy ở Hà Nội
Đặc điểm của loài rệp
Họ rệp (Cimicidae) thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera) giống như họ bọ xít. Nó gồm có 2 chi là Cimex và Oeciacus. Chi Cimex còn gọi là rệp giường, có loài Cimex lecturarius là loài thường thấy sống trong nhà ở của người; loài này phân bố rộng rãi trên thế giới; loài Cimex rhotundaicus còn có tên là Cimex hemiptera, thường phân bố ở các nước nhiệt đới. Chi Oeciacus thường thấy trong các tổ chim hoặc trên lá cây và thường hút máu của loài chim, hiếm gặp trong nhà ở của người.
Rệp phát triển qua 3 giai đoạn: trứng, thanh trùng và con trưởng thành. Trứng rệp thường được rệp trưởng thành đẻ vào cùng một chỗ ở khe tường, tủ, giường, phản, bàn, ghế...; có khi nó đẻ vào cả giấy, vải... Trứng rệp có thể phát triển tốt ở gỗ, đất... và rất kém phát triển ở trong nước.
Thanh trùng phải trải qua 4 lần lột xác, hình thể rất giống con trưởng thành nhưng nhỏ hơn, cơ quan sinh dục chưa hình thành, các đốt bàn chân chưa rõ, râu ngắn . Thanh trùng khi mới nở dài khoảng 1,2mm; ở giai đoạn cuối dài tới 5mm. Để lột xác và phát triển, thanh trùng cần hút no máu.
Ở nhiệt độ từ 14-18oC, trứng cần khoảng 21-22 ngày mới nở; ở nhiệt độ từ 22-26oC, cần khoảng 8-9 ngày nhưng ở nhiệt độ từ 35-37oC nó chỉ cần khoảng 5-6 ngày. Ở nhiệt độ dưới 14oC, trứng không phát triển được.
Ở điều kiện nhiệt độ thích hợp, có đủ thức ăn, rệp cần khoảng 28 ngày để hoàn thành vòng đời. Với nhiệt độ không thích hợp, thức ăn không đủ, vòng đời của rệp kéo dài tới 6-10 tuần hoặc lâu hơn.
Cả thanh trùng và rệp trưởng thành đều hút máu. Sau khi hút máu khoảng 2 ngày, rệp cái đẻ trứng. Nó đẻ liên tiếp trong 5 ngày, sau đó lại tiếp tục hút máu. Rệp thường hút máu vào ban đêm nhưng khi đã nhịn đói lâu nó có thể hút máu cả ban ngày. Rệp chỉ hút máu để sống và phát triển, không ăn chất gì khác ngoài máu. Thời gian hút máu của rệp trưởng thành khoảng 15 phút, mỗi lần hút khoảng 15mg máu. Thanh trùng chỉ hút máu trong khoảng 1 phút, mỗi lần hút khoảng 1/3mg máu.
Rệp có khả năng nhịn đói lâu. Ở nhiệt độ lạnh, rệp có thể nhịn đói được hàng năm. Ở nhiệt độ bình thường, rệp nhịn đói được vài tháng. Mỗi phút rệp trưởng thành di chuyển được khoảng 1,25m; thanh trùng di chuyển được khoảng 25cm. Đời sống của rệp trung bình khoảng 14 tháng. Con cái đẻ từ 1-2 trứng/ tuần. Trong phòng thí nghiệm, một con cái có thể đẻ được tới 541 trứng nhưng trên thực tế rệp đẻ ít trứng hơn.
Vai trò truyền bệnh của rệp
Vai trò truyền bệnh của rệp chưa được xác định một cách rõ ràng. Rệp đốt người gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là mất ngủ vào ban đêm, lâu dần làm suy giảm sức khỏe của người bị rệp đốt máu.
Theo nhà khoa học Derbeneva-Ukhova năm 1974, rệp có thể lưu giữ các mầm bệnh như dịch hạch, sốt phát ban, sốt hồi quy, tularemia, sốt Q... nhưng vai trò truyền bệnh của rệp chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ.
Cách phòng, chống rệp giường
Có nhiều biện pháp để phòng, chống rệp giường hút máu. Cách phòng chống rệp đơn giản nhất là cần vệ sinh thường xuyên hàng tháng chăn, màn, giường, chiếu, khe kẽ tủ, bàn, ghế; phơi, quét dọn, lau chùi sạch nhà ở...
Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp diệt rệp như dùng nước sôi, mỗi 200 lít nước sôi cho vào 200 gam xà phòng bột hoặc 1 bánh xà phòng giặt vào, quấy cho tan đều, tưới vào các khe kẽ có rệp. Công việc này nên thực hiện mỗi tuần một lần và liên tục trong 5-6 tuần liền.
Có thể dùng que nhọn khêu, ngoáy vào những khe kẽ có rệp trú ẩn hoặc dùng máy hút bụi hút rệp, diệt rệp; phơi nắng các vạt giường, chiếu, mệm... hoặc dùng các chất hấp dẫn kiến đến ăn rệp.
Sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng ít có hiệu quả.
Một kinh nghiệm dân gian thường áp dụng để phòng, chống rệp là dùng lá sen tươi trải lên giường nơi có rệp trú ẩn, mỗi giường nằm rải từ 4-5 lá sen tươi; sau một thời gian rệp sẽ biến mất.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh