Phòng chống bệnh chân-tay-miệng và sốt xuất huyết
(Dân trí) - Theo Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ -Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng TPHCM, để việc phòng chống bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết có hiệu quả, thì người dân cần hiểu rỏ diễn biến của mầm bệnh cũng như cách phòng chống bệnh.
Theo Bác sĩ Thọ, có những điều mà đa số người dân không để ý đến lại là nguồn gây bệnh và có thể dẫn đến dịch bệnh như:
1. Những người lớn bị sốt có vẻ như là căn bệnh cảm cúm thông thường, nhưng đó lại là sốt do vi rút Dengue (Vi rút D) gây ra, nên thường khi thấy giảm sốt thì bỏ qua không chú ý và từ sốt Dengue sẽ thành SXH và có thể bùng phát từ những trường hợp này sau một thời gian ủ bệnh.
2. Một người có thể bị SXH 4 lần trong đời và lần sau thì nặng hơn lần trước, nên những ai đã bị chớ chủ quan.
3. Muỗi lây bệnh SXH chủ yếu là loại muỗi vằn hiện diện ngay trong nhà, sống và đẻ trứng trong các nguồn nước sinh hoạt, nước mưa…, do đó cần loại bỏ ngay các nơi có thể chứa các nguồn nước nầy như chai lọ, gáo dừa, lu vại… Đặc biệt, chú ý nguồn nước dùng dội cầu (ít ai quan tâm), cũng cần chú ý không để các loại lốp xe ở ngoài trời vì dù ở vị trí nào đây cũng là nguồn chứa loại nước giúp cho muỗi vằn sinh sản.
4. Khi phun xịt thuốc diệt muỗi cần mở cửa nhà để thuốc có thể diệt được muỗi trong nhà, biện pháp đi đôi với việc phun thuốc là diệt lăng quăng. Đặc biệt cần cách ly người bệnh khỏi các nguồn gây bệnh, để tránh lây nhiễm qua người khác.
Biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết: - Trẻ bị sốt cao liên tục 2 ngày phải đưa đi khám bệnh ngay. - Một trong các dấu hiệu xuất huyết: nổi chấm đỏ ở da, bầm da, ói ra máu, tiêu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu răng. - Trẻ bị ói nhiều, đau bụng. Xử trí - Không nên cạo gió, cắt lễ. - Không uống thuốc aspirin. - Không kiêng khem ăn uống, nên uống nhiều nước nước, nước trái cây… - Không mặc quần áo dày, ủ kín khi sốt. |
Khi được hỏi về căn bệnh chân-tay-miệng, Bác sĩ Thọ cho biết: “ Số trẻ nhiễm bệnh nầy không nhiều, nhưng trường hợp nặng có khả năng gây tử vong (đã có 2 ca tử vong ở TPHCM). Trẻ nhiễm bệnh là do tiếp xúc khi bò lê dưới đất, nói chuyện, còn lý do ăn uống chỉ là phụ. Vi rút lây nhiễm qua đường hô hấp, nước bọt, vết trầy xước”.
Tại BV NĐ 2 chỉ trong tháng 5 đã có 40 bệnh nhi nhiễm hội chứng chân-tay-miệng, trong đó 35 em sống ở TPHCM còn 5 em ở các nơi khác.
Để hạn chế mắc các bệnh này, cần tránh tiếp xúc với người bệnh cũng như giữ vệ sinh cho trẻ nhỏ, một trong những nguyên tắc vệ sinh đơn giản cần là rửa tay thường xuyên.
Ngọc Thanh