1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phòng căn bệnh khiến 25 nghìn người Việt tử vong mỗi năm như thế nào?

(Dân trí) - Đúng như dự đoán, năm 2019, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính “leo lên” hàng thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong, sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đang xếp ở vị trí thứ 3 trong các bệnh lý gây tử vong hàng đầu, ngay cả tại Việt Nam, chỉ sau tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.

Ước tính toàn cầu có khoảng 384 triệu người mắc COPD, cứ mỗi 10 giây có 1 người tử vong do COPD. Còn tại Việt Nam, ước tính có khoảng 2 triệu người mắc COPD, hơn 25.000 ca tử vong mỗi năm.

Theo khuyến cáo của Hội Hô hấp Châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ COPD ở người trên 35 tuổi ở cả hai giới tại Việt Nam là 6,7%, cao nhất khu vực.

Phòng căn bệnh khiến 25 nghìn người Việt tử vong mỗi năm như thế nào? - 1
Khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí bệnh hen phế quản

Số bệnh nhân ngày càng gia tăng nhanh do ô nhiễm không khí mức báo động, tiêu thụ hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Các khảo sát tại Mỹ ghi nhận các bệnh nhân hút thuốc lá điện tử đều có thâm nhiễm hai bên phổi. Tiền căn bệnh lao, sống làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc, hen suyễn kéo dài, dùng chất đốt sinh khối... cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng phổi mà còn tàn phá nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh nhân nhập viện nhiều lần do đợt cấp sẽ phải dùng nhiều kháng sinh mạnh kèm theo corticoid lặp đi lặp lại, có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác như lao phổi, teo cơ, đái tháo đường, viêm phổi, trầm cảm, loét dạ dày, mỏng da, xuất huyết, cườm mắt, loãng xương...

COPD là một bệnh mạn tính nên gánh nặng kinh tế đối với người bệnh và gia đình rất lớn. Nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị vì không có khả năng chi trả, phải dùng thuốc không được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo một nghiên cứu chi phí tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chi phí thuốc điều trị trong một đợt cấp nhập viện vì COPD là: nhẹ (7 ngày) - 420.000 đồng; trung bình ngoại trú (7 ngày) - 1.800.000 đồng; trung bình, nội trú (7 ngày) - 17.700.000 đồng, nặng (15 ngày) - 60.000.000 đến 93.000.000 đồng. Đó là chưa kể các chi phí gián tiếp khác như ảnh hưởng lên hiệu suất làm việc, COPD có thể khiến ít nhất 2 người nghỉ việc, và thậm chí là tử vong.

COPD – Bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể phòng ngừa

COPD là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến trình bệnh, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Cũng như nhiều bệnh không lây nhiễm khác, để dự phòng bệnh COPD cần bắt đầu dự phòng các yếu tố nguy cơ. Theo tính toán, khoảng 90% các ca mắc bệnh COPD là do hút thuốc lá (chủ động và thụ động). Còn lại là do các các yếu tố nguy cơ khác như: môi trường làm việc nhiều khói bụi, di truyền, tuổi cao...

Trong Chương trình Sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1092/QĐ-TTg, có đặt mục tiêu năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống còn 37%, và còn 32.5% vào năm 2030. Cùng đó, giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà từ 50% xuống 40% trong giai đoạn từ 2025 -2030; còn tại nơi làm việc, con số này là 40%-30%. Đây là một nội dung quan trọng, góp phần giảm tác hại của thuốc lá với cộng đồng, trong đó giảm thiểu số mắc COPD, giảm sự tái phát hay tăng nặng của bệnh.

Đối với những người mắc bệnh COPD, để quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bao gồm các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc, đơn cử như bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc. Quan trọng nhất, người bệnh cần phải lạc quan, kiên trì, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và thường xuyên luyện tập để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và từ năm 2016 đến nay là các chương trình mục tiêu y tế dân số để đầu tư các nguồn lực cho phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có COPD…

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, ngành y tế xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD và hen phế quản phù hợp chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật của các cơ sở y tế. Đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ y tế phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của từng tuyến; bảo đảm thuốc và vật tư cho công tác dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị, theo dõi và quản lý lâu dài người bệnh tại y tế cơ sở. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở tăng cường các biện pháp sàng lọc phù hợp, hiệu quả để tăng cường phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng…

Chương trình cũng đặt mục tiêu tới năm 2025, 95% trạm y tế cấp xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, nâng tỷ lệ này lên 100% vào năm 2030.

Tú Anh