1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phòng bệnh liên cầu lợn thế nào?

(Dân trí) - Sự lây truyền bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis xâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương ở da, qua niêm mạc; ăn phải lợn bệnh chưa được nấu chín như thịt tái, tiết canh...

Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn hoặc các sản phẩm sống chưa được chế biến chín từ lợn. Đó là những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan đến lợn; cán bộ thú y, người bị suy giảm miễn dịch do các bệnh khác...

 

Những người nội trợ cũng có nguy cơ do tiếp xúc với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn trong quá trình nấu nướng, chế biến.

 

Để phòng tránh mắc bệnh liên cầu lợn, cần hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh.

 

Các đối tượng như người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan từ lợn, cán bộ thú y, người bị suy giảm miễn dịch... cần thận trọng khi tiếp xúc với thịt lợn và nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để bảo đảm an toàn.

 

Người chăn nuôi lợn cần vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên để phòng bệnh và khoanh vùng, tiêu hủy ngay đàn lợn bị nhiễm bệnh; chủ động hạn chế bệnh phát triển với khả năng nguy cơ lây truyền bệnh sang cho người.

 

Đối với người nội trợ và người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra xác nhận; không nên mua loại thịt lợn có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường. Khi chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh, đun nấu thịt lợn thật chín, không nên ăn thịt tái và tiết canh lợn.

 

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh