Phòng bệnh đốt sống cổ như thế nào?
(Dân trí) - Với những nhân viên văn phòng, người làm các nghề kế toán, biên tập… luôn có nguy cơ mắc các bệnh về đốt sống cổ. Vẫn trong môi trường làm việc như vậy, mọi người có thể phòng bệnh đốt sống cổ cho mình bằng cách chú ý đến tư thế ngồi và có những giờ phút nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
Do thường xuyên phải làm việc trong tư thế cúi gập, đốt sống cổ cũng bị “ép” phải cúi theo, gây nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến xương cổ là rất lớn. Vì thế, nhân viên văn phòng cần phải duy trì tư thế ngồi đúng, thoải mái.
Đầu hơi cúi về phía trước, lưng thẳng, giữ cho đầu, cổ, ngực cong bình thường, tránh việc cúi đầu quá thấp hay ngửa cao về phía sau do dựa đầu vào nghế.
Độ cao của bàn nghế quyết định rất nhiều đến tư thế ngồi đúng, do vậy, bàn nghế phải hợp lý, nếu quá cao đầu, cổ càng phải cúi gập xuống, mà nếu quá thấp sẽ gây ảnh hưởng đến mắt do phải ngước lên nhìn màn hình máy tính.
Thường xuyên phải ngồi lâu làm việc quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến đốt sống cổ mà còn liên quan đến nhiều bệnh về mắt. Mọi người nên chủ động tập vài động tác đơn giản mà rất có lợi cho vùng xương cổ.
Sau 1 - 2 tiếng làm việc, cần ngẩng lên, thực hiện động tác xoay đầu, xoay từ trái sang phải rồi làm ngược lại (lưu ý, khi làm động tác này nên ngồi thẳng lưng).
Ngoài ra, có thể tập động tác vai, nhún vai lên, xuống vài cái, hoặc có thể làm động tác vươn vai, giúp vai đỡ mỏi và giúp cả khuỷ tay được vận động, bạn sẽ thấy đỡ mỏi, thoải mái hơn rất nhiều. Cũng có thể thực hiện động tác ngước mặt lên rồi lại cúi xuống; xoay vai…
Tất cả những động tác trên không những giúp đốt sống cổ được vận động sau một quãng thời gian bị ép phải cúi xuống mà còn giúp cả vùng vai, vùng xương cổ được vận động theo. Bạn cũng có thể tranh thủ luyện tập cho mắt sau khi thực hiện động tác xoay đầu bằng cách ngẩng mặt lên và nhìn ra xa trong khoảng 30 giây.
Hồng Hải