Vào hè:

Phòng bệnh chân, tay, miệng cho trẻ nhỏ thế nào?

(Dân trí) - Tôi được biết hiện đang trong đợt cao điểm trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng. Xin hỏi độ tuổi dễ mắc bệnh? Dấu hiệu nào nhận biết con bị bệnh? Cách phòng bệnh thế nào? Xin cảm ơn! (Bích Hợp, Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN).

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai trả lời:

Bệnh thường gặp chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và thường gặp ở các vùng phía Nam.
 
Khi mới mắc bệnh, trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, đau họng, sưng miệng, chảy nước rãi, buồn nôn, nôn, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau,... Khi bệnh nặng trẻ sẽ sốt cao, nôn nhiều, hay giật mình, run tay chân, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người. Những chấm đỏ xuất hiện từ 1 - 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành bóng nước và vỡ ra thành vết loét. Đa phần trẻ nổi bóng nước nhiều ở tay châm miệng lại bị nhẹ trong khi một số trẻ khác chỉ nổi bóng nước trong miệng nhưng lại có diễn tiến nặng, thậm chí tử vong.
 
Nếu trẻ bị nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, giảm đau, hạ sốt bằng thuốc Paracetamol; cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ (chú ý, để trẻ dễ ăn thì thức ăn cần chế biến lỏng, mềm, thiên về chất hơn là lượng và nên không ép trẻ ăn nhiều như lúc khỏe). Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng, thân thể, không làm bỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng (bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày). Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó ngủ, sốt cao, quấy khóc, giật mình lúc thức hay nói nhảm, các chi run và co giật, nôn ói nhiều,… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế.
Phòng bệnh chân, tay, miệng cho trẻ nhỏ thế nào? - 1

Bóng nước ở bệnh chân, tay, miệng hoàn toàn khác với thủy đậu, thuỷ đậu thì có ở khắp nơi trên cơ thể còn bóng nước ở bệnh tay, chân, miệng thì xuất hiện ở lợi, lưỡi và mặt trong của má...(ảnh minh họa: Internet)
 
Do là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, thực phẩm, tay bẩn, dụng cụ… bị ô nhiễm phân người bệnh (vi-rút được đào thải qua phân và tồn tại trong nước, đất, rau) nhưng cũng có một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp. Vì vậy, để phòng bệnh, cả người lớn và trẻ (trẻ đã biết bò, biết nghịch đồ chơi) phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng chloramin B 5% (nước khử trùng) hoặc xà phòng, nếu là bình sữa, bát, đĩa thì có thể luộc trong nước 100oC để khử trùng; hạn chế tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung đồ dùng; ăn chín, uống chín, che miệng khi ho và hắt hơi. Cách ly người bệnh, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm. 
 
T.H