TPHCM:
Phờ người vì thời tiết ẩm ương
Sau những ngày nghỉ Tết là khoảng thời gian chị Ng.T.V.A (quận Tân Bình, TP HCM) phải quay như chong chóng. Không chỉ bận rộn với công việc kinh doanh những ngày đầu năm, chị còn mệt đứt hơi vì 3 đứa con nhỏ và cả chồng nữa thay nhau bệnh.
“Một cháu cảm ho từ hôm 29 Tết đến nay vì đi chơi đúng đêm TP đột ngột trở lạnh. Hai cháu nhỏ hơn thì chỉ bệnh vặt nhưng cứ bệnh tới bệnh lui vì đã nửa tháng nay, ngày thì nóng đổ lửa, ngày lại gió lạnh, có khi sáng còn lạnh run mà trưa đã nắng chang chang” - chị A. than thở. Một nỗi khổ nữa là khi đưa con đi khám bệnh, chị phát ngán khi thấy bệnh viện (BV) đông như cái chợ.
Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, khi thời tiết thất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa các thời điểm trong ngày cao là điều kiện thuận lợi để các bệnh đường hô hấp, bao gồm cả viêm hô hấp trên như viêm mũi, họng…, có chiều hướng nặng hơn là nhóm viêm hô hấp dưới như viêm phổi. Trong đó, nhóm đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ sơ sinh, trẻ có bệnh lý mạn tính, dị tật bẩm sinh đường hô hấp, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch… Đây cũng là thời điểm nhạy cảm với trẻ hen suyễn bởi khí hậu thất thường cũng làm bệnh nhi dễ lên cơn.
Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là chống lạnh và chống nóng đúng cách. Ví dụ, có nhiều đêm trời khá nóng nhưng gần sáng thì lạnh dần lên, đừng cảm thấy hơi nóng mà vội dùng máy lạnh, quạt… quá mức; có thể dùng chế độ hẹn giờ để điều chỉnh cho phù hợp. Trẻ em đi ra ngoài, đi học… vào sáng sớm khi nhiệt độ còn thấp nên mặc thêm áo, trong đó áo khoác là lựa chọn tốt nhất vì trưa nóng, bé có thể dễ dàng cởi ra. Nhiều người cho con mặc thêm một lớp áo bên trong áo học sinh để giữ ấm sáng sớm nhưng khi nhiệt độ trong ngày tăng lên, các bé lại lúng túng và có khi phải “chịu trận” cái nóng suốt buổi, vậy cũng không tốt cho sức khỏe. Chống nóng thì đừng lạm dụng quạt, máy lạnh quá mức mà nên chú ý uống nước nhiều, ăn mặc thoáng mát, làm cho nhà cửa thông thoáng…
Gần đây, có lời đồn rằng khi thời tiết hơi lạnh, nhiều bậc cha mẹ cho con mặc quá dày nên bé bị đổ mồ hôi bên trong các lớp áo ấm và thấm ngược vào cơ thể gây bệnh. Theo BS Tuấn, nói như vậy không chính xác. “Đổ mồ hôi có thể gây nhiễm lạnh nếu như trẻ đang đẫm mồ hôi mà vào ngồi trước quạt, trước máy lạnh ngay, chứ hoàn toàn không có chuyện mồ hôi “thấm ngược” mà bệnh” - ông khẳng định. Việc mặc quần áo dày hơn cần thiết chỉ khiến bé khó chịu, bứt rứt. Chỉ nên mặc cho trẻ ấm hơn người lớn một chút là đủ vì khả năng chịu lạnh của trẻ em và người già thường kém hơn.
Theo Anh Thư
Người lao động