Phẫu thuật thẩm mỹ: Từ chiến trường tới phim trường và đời thường

(Dân trí) - Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ kỷ niệm 100 năm ra đời trong năm nay. Vậy một thủ thuật y học ban đầu được sử dụng để điều trị cho các binh sĩ trên chiến trường lại trở thành cách nâng vòng ba cho hàng chục nghìn phụ nữ Brazil như thế nào?

Những con số choáng váng

Theo một con số mới được báo cáo trong tuần qua, đã có khoảng 20 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ được tiến hành trên khắp thế giới vào năm ngoái.

Con số đáng kinh ngạc này bao gồm 50.000 ca phẫu thuật nâng vòng ba ở Brazil; 107.000 ca cắt mí mắt ở Hàn Quốc – nhiều trường hợp được tiến hành để trông được “tây” hơn; 1,35 triệu người Mỹ nâng vòng một và 705 nam giới Anh cắt bỏ “vú quả mướp”. Đó là chưa nói đến những vụ phẫu thuật để làm đẹp cho “cô bé” ở Đức.

Những con số thống kê do Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quốc tế công bố cho thấy quan niệm về sắc đẹp đã thay đổi thế nào ở thế hệ trước, và ám chỉ rằng trong nhiều nền văn hóa, việc tới bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, thay vì tới chuyên gia trang điểm, là cách đảm bảo để giảm các dấu hiệu của tuổi già.

Người khai sinh phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại

Những con số này hẳn sẽ làm Harold Gillies phải choáng váng. Ông là người 100 năm trước đã mở đầu cho một chuyên ngành y học được tôi luyện trong những chiến hào đẫm máu của Flanders: phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại.

Ý tưởng ghép da từ vùng này sang vùng khác của cơ thể đã có từ nhiều thế kỷ trước: phẫu thuật thẩm mỹ - plastic surgery - là thuật ngữ ra đời từ những năm 1830 (theo tiếng Hy Lạp, plastikos - được tạo khuôn), nhiều thập kỷ trước khi “plastic” trở thành từ dùng mô tả các loại vật liệu nhân tạo. Nhưng như Roger Green, một phẫu thuật viên đồng thời là chuyên gia lưu trữ của Hội Phẫu thuật viên thẩm mỹ và tạo hình Anh (BAPRAS) cho biết thì ngày ra đời của phẫu thuật thẩm mỹ hiện đại là năm 1915.

Gillies vốn là một bác sĩ ngoại khoa tai mũi họng đã tình nguyện phục vụ trong Hội Chữ thập đỏ ở Bỉ. Ông đã chứng kiến những vết thương khủng khiếp. Nhiều người lính khuôn mặt bị biến dạng kinh hoàng do mảnh đạn khi họ nhô đầu ra khỏi công sự.

Với những vết thương quá nặng không thể sửa được bằng mảnh ghép da, Gillies đã phát triển một kỹ thuật gọi là cuống ống, bao gồm cắt một dải thịt từ vùng lành của cơ thể - thường là ngực hoặc trán - nhưng để nguyên một đầu vẫn dính liền. Mảnh da được “xoay” sang vùng mới. Vạt sẽ tự gấp lại, bao kín toàn bộ mô sống và nguồn cung cấp máu, ngăn ngừa nhiễm trùng. Kết quả có vẻ kỳ dị, nhưng có tác dụng.

Trong trận chiến Somme năm 1917, Gillies đã điều trị cho 2.000 binh sĩ, chủ yếu bằng cách này.

Trong Thế chiến II, Archibald McIndoe, một học trò của Gillies, đã tạo ra những bước tiến lớn hơn trong việc điều trị bỏng.

Nhưng không chỉ là những tiến bộ về mặt kỹ thuật, McIndoe còn mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Trong khi “câu thần chú” của Gillies là “chừng nào tôi còn sửa được thì mọi chuyện đều ổn”, thì McIndoe lại quan tâm hơn đến tâm lý của người bệnh. East Grinstead, nơi đặt bệnh viện của McIndoe, đã trở thành “thị trấn không có những cái nhìn thô lỗ”.

100 năm phẫu thuật thẩm mỹ - Từ chiến trường tới phim trường và đời thường
William M. Spreckley, bệnh nhân thứ 132 của Gillies. Mũi ông được điều trị bằng kỹ thuật “cuống ống”

Người học trò của Gillies cũng là người đi tiên phong về quyền có cuộc sống “bình thường”, nhưng với một dạng bệnh nhân hoàn toàn khác. Ở In Rio de Janeiro, Ivo Pitanguy, hiện 91 tuổi, được gọi đơn giản là “Nhạc trưởng” vì đã giúp phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến trong không chỉ trong giới nhà giàu mà cả ở những cư dân của khu ổ chuột.

Xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ ở các quốc gia

Năm ngoái, hơn 1,3 triệu người đã phẫu thuật thẩm mỹ tại Brazil . “Phẫu thuật thẩm mỹ mang lại sự thanh thản mong muốn cho những người bị tự nhiên phản bội”, ông đã nói.

Archibald McIndoe
Archibald McIndoe

Pitanguy lý luận rằng phẫu thuật thẩm mỹ chữa lành những bệnh như thiếu tự tin, một ý kiến đã có sức hút nhất định ở một số nền văn hóa - đặc biệt là các nền kinh tế đầy khát vọng và phát triển nhanh như Brazil và Hàn Quốc, nơi có khoảng 50% số thiếu nữ độ tuổi hai mươi đã có việc làm.

Nhiều bậc phụ huynh ở Hàn Quốc tặng cho con gái một suất “căng da mặt” như một món quà tốt nghiệp - đây không phải là kỳ thị tuổi già, mà là thay đổi hình thức để làm tăng cơ hội trong cuộc sống.

Tại một số bệnh viện ở Seoul, khách hàng sẽ phải trả lời bảng câu hỏi. Một trong số đó hỏi xem khách hàng dự định làm gì sau khi phẫu thuật thành công. Những câu trả lời để lựa chọn? “Có người yêu”, “Tìm việc” hoặc “Đăng ảnh tự sướng mà không cần dùng Photoshop”.

Archibald McIndoe
Một quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc, nơi có số ca phẫu thuật thẩm mỹ tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Điều này nghe có vẻ sốc nhưng không khác mấy so với các ngôi sao Hollywood trong những năm 1920, bao gồm cả Rudolph Valentino và Gloria Swanson , những người đã sửa tai, mũi và mặt trong một nỗ lực để được nhận nhiều vai diễn hơn thời đại khi mà hình thức đột nhiên rất được coi trọng trên màn bạc.

Tại Anh, phẫu thuật thẩm mỹ lại phải chịu nhiều qui định hơn ở Hàn Quốc. Và sau một thập kỷ phát triển rất mạnh, xu hướng bây giờ là những thủ thuật ít xâm lấn - chỉnh chứ không sửa.

Thật vậy, phẫu thuật nâng ngực đã giảm 23% trong năm ngoái ở Anh, nhiều phụ nữ hoảng sợ bởi những scandal vỡ túi nâng ngực.

Ngoài ra , thái độ của người Anh cũng khác với người Nam Mỹ hay châu Á. “Bệnh nhân không muốn trông như họ đã được phẫu thuật. Họ muốn trông khỏe mạnh, rạng rỡ hơn, nhưng không nhất thiết phải trẻ hơn nhiều”, Paul Harris, thành viên hội đồng của Hội phẫu thuật viên thẩm mỹ của Anh cho biết thêm.

Tất nhiên, đối với các khách hàng giàu có, sai lầm cuối cùng là để có vẻ “đã làm xong”, như “Cô dâu của Wildenstein", một phụ nữ New York tên là Jocelyn Wildenstein , người đã chi chừng 4 triệu đô la cho phẫu thuật để có khuôn mặt giống một … con mèo. Hoặc như Jennifer Grey, diễn viên phim Dancing Dirty, người đã cay đắng hối tiếc về việc sửa mũi. "Tôi bước vào phòng mổ như một ngôi sao và bước ra như một kẻ vô danh tiểu tốt ", cô trải lòng về ca phẫu thuật nắn thẳng chiếc mũi “khác người” của mình.

Jennifer Grey, trong phim Ngày nghỉ của Ferris Bueller,
trước khi sửa mũi
Jennifer Grey, trong phim Ngày nghỉ của Ferris Bueller, trước khi sửa mũi

Và
sau khi sửa mũi, chiến thắng cuộc thi “Khiêu vũ cùng thần tượng”
Và sau khi sửa mũi, chiến thắng cuộc thi “Khiêu vũ cùng thần tượng”

Và sau gần một thế kỷ các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ăn cắp ý tưởng từ phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình, dòng chảy tri thức hiện đang đi theo hướng khác. Chuyển mỡ - hút mỡ ra khỏi một vùng của cơ thể, nhất là bụng, và sau đó bơm vào mặt là một ví dụ. Được phát triển bởi các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, giờ đây nó được sử dụng để giúp tái tạo ngực sau phẫu thuật ung thư.

Chuyển mỡ được xem như một "thuật giả kim" - biến sắt thành vàng, nói như Nigel Mercer , Chủ tịch BAPRAS , nhưng vẫn còn rất rủi ro. "Vấn đề với mỡ là nó có hàng triệu tế bào gốc, xin nhấn mạnh là hàng triệu”. Và với lượng tế bào gốc này thì nguy cơ ung thư tái phát sẽ cao hơn rất nhiều.

100 năm phẫu thuật thẩm mỹ 1915

Tại một bệnh viện dã chiến ở Bỉ, Harold Gillies bắt đầu làm việc với những vết thương ở mặt và hàm của các binh lính Anh, khởi đầu cuộc cách mạng trong tạo hình da.

1920

Rudolph Valentino, ngôi sao phim câm, đã phẫu thuật kéo tai ra sau, ngay tiếp theo đó là Gloria Swanson nâng mặt. Sự ràng buộc không thể tách rời giữa Hollywood và phẫu thuật thẩm mỹ hình thành

1941

Archibald McIndoe, một học trò của Gillies, thành lập Câu lạc bộ chuột lang, tiến hành phẫu thuật tạo hình cho những vết bỏng nặng mà ông điều trị. Việc điều trị tâm lý cho bệnh nhân được coi trọng ngang với điều trị cơ thể.

1962

Timmie Jean Lindsey, Texas, Mỹ, trở thành người phụ nữ đầu tiên nâng ngực bằng silicone.

1987

Bác sĩ da liễu người Mỹ Jeffrey Klein giới thiệu kỹ thuật “tumescent” để hút mỡ, cho phép sử dụng gây tê để hút mỡ từ người bệnh nhân, biến đây trở thành thủ thuật cực kỳ phổ biến.

2005

Các thử nghiệm được tiến hành ở East Grinstead (tại bệnh viện do McIndoe sáng lập) sử dụng phun tế bào da để điều trị bệnh nhân bỏng.

Cẩm Tú

Theo Telegraph