DMagazine

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học

(Dân trí) - Ca phẫu thuật tái tạo lồng ngực bằng titan ứng dụng công nghệ in 3D do Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City và ĐH VinUni thực hiện, được xem là bước tiến lớn của y học Việt, thay đổi cuộc sống của bệnh nhân phải ghép xương ngực nhân tạo.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 1

Từng trải qua bạo bệnh khi mắc cùng một lúc ung thư tuyến giáp và vú, bà H. (55 tuổi, quê Hà Nam) đã nhiều lần bước qua cửa tử khi thực hiện 2 cuộc phẫu thuật vào năm 2018, 2023. Thế nhưng bệnh tật vẫn không ngừng đeo bám bà.

Liên tiếp nhiều tuần, ngực trái của bà H. xuất hiện cơn đau tức. Cơn đau tăng lên mỗi khi hít thở, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, bà được chụp cắt lớp vi tính, phát hiện khối u trung thất trước, nên nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City, Hà Nội.

Sau hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ cho biết cơn đau bao lâu nay là tác động của khối u ác tính trong lồng ngực, có kích thước lên đến 11,5cm. Nguy hiểm hơn khi khối u đã xâm lấn phức tạp vào thành ngực trái, xương sườn số 2, 3, 4, thùy trên phổi trái, một phần xương ức, gây đè ép lên tim, phổi và các cơ quan xung quanh.

"Tôi rất lo lắng. Các bác sĩ nói là u vừa to vừa nguy hiểm khi nằm gần động mạch chủ và gần tim", bà H. chia sẻ.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 3

Ca bệnh được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, tính chất u không đáp ứng với hóa chất hoặc xạ trị, do đó phẫu thuật loại bỏ khối u là phương pháp duy nhất có thể cứu bệnh nhân, song cũng là giải pháp mang lại nhiều thách thức cho các phẫu thuật viên.

"Ung thư như vậy đã muộn rồi, việc phẫu thuật cũng cần cân nhắc, phụ thuộc vào việc có lấy được toàn bộ khối u hay không. Nếu không lấy được hết, tiên lượng của bệnh nhân còn xấu hơn so với trước khi mổ. Nếu lấy được toàn bộ khối u thì sẽ kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Nhưng phẫu thuật cũng đặt ra vấn đề là khi cắt các cấu trúc bị khối u xâm lấn sẽ phải tái tạo lại thành ngực", TS.BS Đặng Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch Vinmec chia sẻ.

Phân tích 2 luồng quan điểm này, nhiều cuộc hội chẩn chuyên môn đã được tổ chức. Cuối cùng, Hội đồng chuyên môn Vinmec ra quyết định sẽ thực hiện 2 thì phẫu thuật, gồm cắt bỏ toàn bộ khối u cho bệnh nhân và tái tạo các cấu trúc thành ngực bị u xâm lấn. Tuy nhiên, ca phẫu thuật nào cũng có cái khó riêng.

"Việc cắt bỏ khối u phải lấy được trọn vẹn, không cắt rời thành từng miếng nhỏ, tránh bị lây lan tế bào ung thư sang các bộ phận khác. Chưa kể phải cắt bỏ các cấu trúc liên quan đã bị khối u xâm lấn, giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh", TS.BS Quang Huy nói.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 5

Tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, những tổn thương khuyết hổng thành ngực lớn sau mổ ung thư thường được che phủ bằng cách sử dụng các vạt da cơ từ các vị trí khác trên cơ thể. Đây là những cuộc phẫu thuật lớn, để lại vết sẹo dài, thời gian hồi phục sau mổ cũng bị kéo dài, gây sang chấn tâm lý cho bệnh nhân. Các vật liệu nhân tạo được sử dụng trước đây cũng chỉ mang tính chất che phủ bên ngoài, không bảo vệ tối đa được trái tim và lá phổi bên trong lồng ngực khỏi các va đập từ bên ngoài hoặc gây hạn chế chức năng hô hấp.

"Cập nhật tiến bộ của y học thế giới, chúng tôi đã đưa ra một giải pháp tối ưu khắc phục các nhược điểm của các kỹ thuật truyền thống, được coi là đột phá về mặt kỹ thuật tại Việt Nam thời điểm hiện tại; đó là sử dụng công nghệ in 3D hợp kim Titan để tạo hình lại cấu trúc thành ngực gồm phần xương ức, các xương sườn đã cắt bỏ cùng khối u", TS.BS Đặng Quang Huy chia sẻ.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 7

BSCKII. Phạm Trung Hiếu, Phó giám đốc Lab 3D, Trường Đại học VinUni nhớ lại: "Đó là một đề bài khó, chúng tôi nhận được từ Trung tâm Tim mạch Vinmec. Khi nghiên cứu các tài liệu y văn, chúng tôi nhận ra các thiết kế trên thế giới có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Đó là không thể đảm bảo được 3 yêu cầu, vừa phải đảm bảo về mặt tái tạo hình thể giải phẫu, vừa phải đảm bảo chức năng cho bệnh nhân không hạn chế hô hấp, đồng thời tạo ra một lớp lưới bảo vệ đàn hồi, chắc chắn cho các bộ phận, cấu trúc bên trong lồng ngực".

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 9

Để giải quyết bài toán nan giải này, nhóm thiết kế gồm các chuyên gia tim mạch lồng ngực, chấn thương chỉnh hình Vinmec, đội ngũ kỹ sư của Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Trường Đại học VinUni đã trải qua gần ba tuần nghiên cứu miệt mài chế tạo, cải tiến để khắc phục các hạn chế từ những thiết kế trước. Ê-kíp cũng thử nghiệm hàng chục tình huống mô phỏng để thiết kế đạt độ tỉ mỉ, tinh xảo, đảm bảo độ mỏng, độ giãn nở, độ bền và chuẩn xác theo tiêu chuẩn cao nhất có thể.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 11

Đáp lại sự nỗ lực của đội ngũ bác sĩ, kỹ sư tận tâm, sản phẩm sau hoàn thiện không chỉ đột phá về thiết kế mà còn tích hợp tấm lưới chống thoát vị phổi, ưu việt hơn so với các ca phẫu thuật trước đây trên thế giới vốn phải in nhiều mảnh ghép riêng lẻ để che phủ cho phổi và tim. Sự sáng tạo này giúp hạn chế tối đa rủi ro các mảnh ghép rời bị di lệch trong cơ thể sau phẫu thuật gây các biến chứng.

"Đây là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam. Dù rằng công nghệ chế tạo, nguyên liệu và máy in chuyển giao từ Đức theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thiết kế, quy trình chế tạo, thực nghiệm để tạo ra sản phẩm là độc quyền do người Việt Nam thực hiện", BSCKII. Phạm Trung Hiếu không giấu được cảm xúc tự hào.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 13

Ngày 11/9/2024, ca mổ tái tạo gần như toàn bộ thành ngực trái cho bệnh nhân đã được thực hiện. Trong quá trình phẫu thuật, miếng ghép đã được kiểm tra chức năng di động cùng nhịp thở của người bệnh. Theo đó, độ vừa vặn, chính xác ở mức tối đa theo kế hoạch, vẫn đảm bảo khả năng hô hấp bình thường của bệnh nhân.

Một ngày sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy, trò chuyện bình thường, phục hồi sức khỏe tốt, xuất viện sau năm ngày.

"Đây là kỹ thuật đột phá, giúp bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng, bảo đảm phục hồi nhanh chóng, duy trì chức năng hô hấp tốt", GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec, đánh giá.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 15

Nhìn lại thành công của ca phẫu thuật, GS. Trần Trung Dũng cho biết, với y văn trong nước, những ca mổ cắt u rộng xâm lấn mất đoạn thành ngực như thế này không có nhiều. Thành công đột phá của Vinmec đã mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân Việt Nam cần phẫu thuật triệt để các khối u xâm lấn rộng vào thành ngực. Với công nghệ mới, phẫu thuật viên có thể tự tin cắt bỏ triệt để các vùng bị xâm lấn mà vẫn đảm bảo tái tạo lại thành ngực một cách đơn giản, chính xác và hiệu quả nhất.

Song, theo GS. Trần Trung Dũng, trong thế giới phẳng, y tế Việt Nam có cơ hội lớn tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Yếu tố về công nghệ không phải là khó khăn lớn nhất.

"Có thể coi sản phẩm 3D cá thể hóa hôm nay là sự kết hợp giữa tinh hoa của công nghệ thế giới, sự khéo léo của đôi bàn tay người bác sĩ, kỹ sư cũng như trí tuệ người Việt Nam. Điều quan trọng và nhân văn là chúng tôi giải quyết được những thách thức, bài toán khó mà nếu không có sự phối hợp giữa các bên sẽ không giải quyết được", GS. Dũng phân tích.

Phẫu thuật tái tạo lồng ngực ứng dụng công nghệ 3D - bước tiến của y học - 17

Theo GS. Trần Trung Dũng, so với các hệ thống y tế khác, Vinmec có nhiều điểm thuận lợi hơn. Vinmec hoạt động không vì lợi nhuận, có sự đồng hành của VinUni, đặc biệt có sự hậu thuẫn của Vingroup. Với tầm nhìn trở thành hệ thống y tế hàn lâm đẳng cấp thế giới, góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, Vinmec tiên phong lãnh nhận các việc khó, đi con đường khó để tìm hy vọng cứu chữa cho các bệnh nan y, phức tạp.

Công nghệ 3D là bước đột phá trong y học mà Vinmec đang áp dụng thí điểm trong một số ca điều trị. Đồng thời, với vai trò là một hệ thống y tế trụ cột, Vinmec luôn sẵn sàng chia sẻ, hợp tác nhằm thúc đẩy việc nâng cao chất lượng điều trị, nghiên cứu và nâng tầm vị thế của y học Việt Nam.  

"Hiện, xu hướng tiếp theo của công nghệ in 3D trong y học là vật liệu sinh học. Vinmec đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường này khi sở hữu hệ thống phòng nghiên cứu công nghệ tế bào hiện đại hàng đầu cùng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu rất mạnh. Chúng tôi phấn đấu đến một lúc nào đó trong tương lai gần, sản phẩm in 3D nói chung và in 3D sinh học nói riêng của Việt Nam sẽ dễ tiếp cận thế giới để ngày càng nhiều người bệnh được hưởng lợi từ công nghệ này", GS. Trần Trung Dũng chia sẻ.

Thiết kế: Tuấn Huy

Nội dung: Trường Thịnh