1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phẫu thuật kỹ thuật khó ngay tại địa phương

(Dân trí) - 2 năm trước, những người bệnh bị thoát vị đĩa đệm khu vực xung quanh tỉnh Lào Cai phải “khăn gói” lên tận Hà Nội chữa trị. Hay với bệnh nhân mổ tim khu vực miền Trung muốn được mổ cũng phải vượt trăm cây số ra BV Trung ương...

“Tao không đi, tao không có tiền”!

BS Hoàng Văn Hiếu, Phó Giám đốc BV Đa khoa Lào Cai cho biết, đó là câu nói mà các bác sĩ được nghe rất nhiều từ bệnh nhân ở thời điểm vài năm trước, khi phải giải thích chuyển người bệnh lên tuyến Trung ương chữa trị. Thậm chí có nhiều người bệnh không chữa được thì về nhà, đến khi đau quá lại lên viện dăm ba hôm chứ nhất quyết không đi Hà Nội vì không có tiền.
Phẫu thuật kỹ thuật khó ngay tại địa phương
BS BV Bạch Mai hướng dẫn các thông số về thở máy cho bác sĩ khoa Nhi (BV Đa khoa Lào Cai). Ảnh: H.Hải

Theo TS Hiếu, từ khi BV Lào Cao hiện là bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai, BV Việt Đức đã được chuyển giao rất nhiều kỹ thuật cơ bản. Bác sĩ của BV Đa khoa Lào Cai đã thực hiện thuần thục những kỹ thuật này, giúp tăng thêm cơ hội cho người dân địa phương được điều trị ngay trên địa bàn, không phải di chuyển xuống Trung ương tốn kém.

Như trong ngoại khoa, trước đây khi chưa trở thành bệnh viện vệ tinh, những phẫu thuật thoát vị cột sống, nội soi khớp gối, phẫu thuật chấn thương sọ não, tụ máu trong não... là những điều “tưởng như mơ” với các bác sĩ của bệnh viện. Nay những kỹ thuật này được thực hiện thuần thục, tạo điều kiện rất nhiều cho bệnh nhân địa phương có cơ hội chữa trị kỹ thuật cao mà không phải đi xa tốn kém.

Với bệnh nhân Đặng Xuân Sơn (47 tuổi, dân tộc Dao, Điền Quý, Bảo Yên, Lào Cai) vừa được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hôm 10/4, việc được thực hiện phẫu thuật ngay tại nơi sinh sống là một điều rất may mắn.

Bệnh nhân này chia sẻ, 2 tháng trước bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau lưng lan xuống hai chân nhưng cứ lần lữa không đi khám. Đến khi đau không đi nổi, nằm cũng không giơ chân lên được thì mới đến BV Đa khoa Lào Cai khám và được chỉ định phẫu thuật. “Nghe đến phẫu thuật đã sợ, nhưng bác sĩ giải thích tôi có BHYT, lại mổ ngay tại địa phương nên chi phí không tốn kém gì nên tôi mới làm”, bệnh nhân Sơn nói.

BS Hiếu cho biết, với nhiều người dân tộc nghèo, họ rất sợ đến BV, trừ khi đau quá không chịu nổi vì tâm lý sợ tốn kém. Trong khi đó, với bảo hiểm hộ nghèo, bệnh nhân vừa được trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, vừa được “cấp” tiền ăn theo chế độ nhà nước mỗi ngày. Thế nên khi phát triển những kỹ thuật này tại địa phương, thực sự là cơ hội cho người bệnh. Bảo họ đi về Trung ương, dù BHYT được chi trả nhưng chi phí đi lại, ăn ở của người bệnh, người phục vụ là quá lớn với họ.

Hiện sau 5 ngày được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân chân đi đã đỡ tê, nằm có thể giơ cao được hai chân, bệnh nhân tự đi lại được, chi phí được BHYT chi trả gần như toàn bộ.

“Hay với những ca gây mê do chấn thương phức tạp, trước đây khi có bệnh nhân nặng, anh em buộc phải làm nhưng cũng “run tay” nhưng nay kỹ thuật này đã được thực hiện tốt nhờ được bác sĩ tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, cầm tay chỉ việc. Thực tế BV đa khoa Lào Cai đã chủ động được gần như hoàn toàn khâu cấp cứu, cứu nạn vụ xe khách lao xuống vực.

Theo BS Ninh Việt Khải, Khoa Điều trị 1C - Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp nên Lào Cai hỗ trợ cứu nạn trong vụ xe lao xuống vực, những gì các bác sĩ Việt Đức lên chuyển giao đã đạt thành quả. Khi đoàn BV Việt Đức đến, BV Đa khoa Lào Cai đã thực hiện được khám sàng lọc, phân loại, cấp cứu ban đầu rất tốt. Các bệnh nhân đều được đưa vào các khu điều trị, hồi sức đúng với tình trạng bệnh lý. Các bác sĩ lên thực sự đúng tích chất “hỗ trợ” bởi bệnh viện phối hợp tốt trong việc thực hiện phẫu thuật, chữa trị cho các nạn nhân.

“Không thể giảm tải nếu không phát triển vệ tinh”

Đó là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đánh giá về hiệu quả, vai trò của BV vệ tinh trong suốt thời gian qua.

Từ khi thực hiện đề án từ năm 2005, đến nay Bộ Y tế đã thành lập 45 bệnh viện vệ tinh trên 38 tỉnh và sẽ phát triển, mở rộng thêm trong những năm tới. Những bệnh viện này có thể thực hiện các kỹ thuật chuyển giao tương tự ở các tuyến cuối ở Hà Nội, Hồ Chí Minh.
 
Phẫu thuật kỹ thuật khó ngay tại địa phương
Hệ thống BV Vệ tinh ngày càng thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, hỗ trợ được tuyến Trung ương rất nhiều trong việc giảm tải bệnh viện.

“Cơ sở hạ tầng tốt hơn tuyến trung ương, trang bị máy móc không kém và thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao tốt như các tuyến Trung ương chính là cơ sở để BV vệ tinh giúp giảm tải. Ví dụ như BV Thanh Hóa, Nhi Thanh Hóa nay đều đã có thể mổ tim, trước đó vài ba năm thì không thể làm được. Hay BV Nghệ An, Hà Tĩnh nay còn to đẹp hơn bệnh viện Trung ương, thậm chí họ đang hướng tới ghép tạng. Nếu bệnh viện vệ tinh không phát triển sẽ không thể giảm tải được vì thế hệ thống bệnh viện vệ tinh sẽ tiếp tục được tăng cường”, bà Tiến cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, trong 5 năm triển khai đề án BV Vệ tinh giai đoạn 1 (2009 - 2013) BV đã chuyển giao trên 200 kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện. Sự phát triển của BV Vệ tinh đã giúp bệnh viện giảm tải được 10% so với trước để tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu. Tại các BV vệ tinh, số bệnh nhân tử vong giảm đáng kể (từ trung bình 73 bệnh nhân tử vong một năm nay giảm xuống còn 54 bệnh nhân).

Bộ trưởng Tiến cũng khuyến cáo, tại các bệnh viện vệ tinh với cơ sở vật chất tốt, kỹ thuật được chuyển giao thực hiện được như tuyến trên thì người dân không nên vượt tuyến đi khám chữa bệnh vừa khổ sở vì quá tải, chật chội, tốn kém lại rất dễ nhiễm trùng chéo. Bởi môi trường bệnh viện là nguồn lây nhiễm tất cả các bệnh, càng quá tải, nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Những trường hợp nhẹ, những trường hợp tuyến dưới điều trị tốt người dân không nên vượt tuyến lên tuyến trên bởi tuyến dưới chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tiệm cận với tuyến trung ương. Đồng thời họ cũng thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị ngang ngửa trình độ với BV tuyến trên.

Hồng Hải