Phạt nghiêm nồng độ cồn khi lái xe, tai nạn giao thông do bia rượu giảm
(Dân trí) - Số ca tai nạn giao thông vào cấp cứu tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm sau hơn một tuần luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội)- nơi tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông nặng được chuyển từ tuyến dưới lên cũng bước đầu ghi nhận xu hướng này. Tất cả những trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện đều được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.
TS Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết từ ngày 1 đến ngày 6/1, Bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 trường hợp có nồng độ cồn trong máu, chiếm gần 12%.
"Con số này giảm so với cùng kỳ năm ngoái với 49 bệnh nhân nhân nhập viện trong tổng số 324 bệnh nhân (chiếm 15%)", Ts Hùng nói.
Tương tự tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình mỗi ngày, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-130 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan đến rượu, bia. Trong đêm 31/12/2019 và sáng 1/1/2020 có 28 trường hợp tai nạn giao thông vào cấp cứu có nồng độ cồn trong máu.
Tuy nhiên, khoảng một tuần trở lại đây, chỉ còn khoảng 60-70 ca cấp cứu và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%. Điều đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu.
“Riêng ngày 7-1 trong ca trực của tôi, chỉ có 58 bệnh nhân nhập viện. Số ca cấp cứu giảm 50% so với trước và không có ca tai nạn giao thông nào vào viện mà có nồng độ cồn trong máu”, bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn nói.
Theo ông, việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn đã bước đầu có những tín hiệu tích cực khi số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm đáng kể.
Hầu hết những vụ tai nạn xảy ra ở cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì thường được chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ông Nguyên Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu, trong đó có 20% là các ca tai nạn giao thông. Tuy nhiên, từ ngày 1 đến 6/1, có tổng số 530 ca cấp cứu thì chỉ có 44 vụ là tai nạn giao thông (chiếm 8,3%).
"Những ca tai nạn này có liên quan đến cồn không thì chúng tôi không biết. Chúng tôi không phân biệt được đâu là tai nạn do rượu bia hay không do rượu bia vì chúng tôi chỉ có nhiệm vụ cấp cứu. Phải đến bệnh viện thì các bác sĩ mới xét nghiệm được nồng độ cồn", ông Thành nói.
Dù vậy, theo ông Thành có vẻ số ca tai nạn giao thông có vẻ giảm xuống, từ 20% xuống 8% từ khi luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực.
Từ ngày 1/1/2020, luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực. Trong đó có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này áp dụng với cả các phương tiện giao thông cơ giới (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô…) lẫn phương tiện giao thông thô sơ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…).
Nam Phương