Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng cách nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 4 đối với phụ nữ trên toàn thế giới, nhưng theo thời gian, nó trở thành một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa nhất.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng cách nào? - 1

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung. Cổ tử cung bình thường sẽ có màu hồng khỏe mạnh với lớp tế bào vảy mỏng và phẳng. Các tế bào trụ liên kết hình thành nên ống cổ tử cung. Khu vực giao nhau của ống và cổ tử cung được gọi là khu chuyển đổi, đây là nơi các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư dễ phát triển nhất.

Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm phần lớn (80-90%) trong số các dạng ung thư cổ tử cung. Dạng ung thư cổ tử cung phổ biến thứ hai là ung thư tế bào tuyến, được ghi nhận khoảng 10 - 20% số ca. Dạng ung thư này phát triển từ các tuyến tiết chất nhờn trong ống cổ tử cung. Mặc dù ít phổ biến hơn ung thư biểu mô tế bào vảy nhưng hiện nay tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tuyến ở phụ nữ trẻ tuổi đang ngày càng gia tăng.

Mặc dù vậy nhưng hầu hết các ung thư cổ tử cung xuất phát từ các tổn thương tiền ung thư trước đó nên hoàn toàn có thể phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư và ung thư bằng phương pháp xét nghiệm phết tế bào học.

Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng cách nào? - 2

Căn bệnh này hoàn toàn có thể được tầm soát, phát hiện sớm. Theo đó, khi đăng ký khám tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, bệnh nhân thường được thực hiện những bước sau:

- Khám phụ khoa.

- Soi cổ tử cung: Phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung.

- Thực hiện xét nghiệm Pap smear và HPV: Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

- Xét nghiệm HPV: Rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.

- Sinh thiết cổ tử cung: Khi phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường.

- Các xét nghiệm khác: Siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…

- Đọc kết quả và tư vấn (hoặc chỉ định khác nếu có).

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chị em nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Cần lưu ý khi đi khám tầm soát phải sạch kinh nguyệt. Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đặt thuốc vào âm đạo. Không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 1 -2 ngày trước khi thử Pap.

Kết quả thử Pap ung thư cổ tử cung rất chính xác. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.