Phát hiện “gien ăn chay” liên quan với các bệnh tim mạch, ung thư

(Dân trí) - Trong khi nghiên cứu cách biến đổi axit béo omega 3 và 6, các nhà khoa học đã khám phá lý do vì sao những người ăn chủ yếu thực vật tại các nước đang phát triển lại bị mắc các bệnh mãn tính.

Phát hiện “gien ăn chay” liên quan với các bệnh tim mạch, ung thư - 1

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí “Sinh học phân tử và sự tiến hóa”, bằng cách nghiên cứu sự hiện diện của các biến dị gen ăn chay ở 234 người Ấn Độ (chủ yếu ăn chay) và 311 người đến từ Mỹ (ăn theo chế độ ăn uống tiêu chuẩn của Mỹ), các nhà khoa học đã phát hiện 68% người Ấn Độ và 18% người Mỹ mang gien biến dị này.

Loại gen này được phát hiện bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cornell, những người đang nghiên cứu cách biến đổi axit béo omega 3 và omega 6 thành các hợp chất hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ và kiểm soát sự viêm sưng trong cơ thể của những người theo đuổi chế độ ăn uống chỉ gồm thực vật. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra sự biến dị di truyền tương tự ở dân tộc Inuit (Greeland) - những người có chế độ ăn uống chủ yếu là hải sản.

Gien ăn chay có thể làm axit arachidonic, loại axit có thể gây viêm sưng và có liên quan tới các bệnh tim mạch, ung thư, tăng đột biến. Điều này có thể có hại nếu người có gen này ăn nhiều 1 số loại dầu thực vật như dầu hướng dương, vì cơ thể sẽ thực hiện quá trình trao đổi chất, biến axit béo thành axit arachidonic nhanh hơn.

Theo Tom Brenna, chuyên gia Dinh dưỡng tại ĐH Cornell: “Ở những người này, dầu thực vật sẽ bị chuyển hóa thành axit arachidonic, làm tăng nguy cơ sưng viêm mãn tính, thủ phạm của các bệnh tim mạch và làm ung thư trở nên nặng nề hơn“.

Tiến sỹ Brenna nói rằng đây có thể là 1 yếu tố giải thích vì sao người dân theo chế độ ăn uống dựa trên thực vật ở các nước đang phát triển bị mắc các bệnh mãn tính. Ông bổ sung rằng những người ăn chay này nên sử dụng các loại dầu thực vật có ít axit linoleic omega 6, như dầu oliu.

Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Oxford cho rằng nếu thực hiện chế độ ăn chay hàng triệu mạng sống sẽ được cứu mỗi năm trước năm 2050.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Marco Springmann, trưởng nhóm nghiên cứu về tương lai của thức ăn của Chương trình Oxford Martin, chế độ ăn của con người “ảnh hưởng lớn” đến sức khỏe và môi trường toàn cầu. “Các chế độ ăn mất cân đối, như chế độ ăn ít rau quả và ăn nhiều thịt đỏ cùng thịt đã chế biến là nguyên nhân gây ra gánh nặng sức khỏe lớn nhất và ở phần lớn các vùng”, ông nói.

Phương Anh

Theo independent