Phát hiện “đội quân” của hệ miễn dịch ngay trong khối u

(Dân trí) - Đôi khi hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể tiêu diệt được tế bào ung thư. Cơ chế của hiện tượng này giờ đây đã trở nên sáng tỏ hơn với việc phát hiện ra các mô miễn dịch nhỏ hình thành trong khối u.

Chúng ta đã biết rằng, hệ thống miễn dịch đáp ứng với bệnh ung thư. Một số loại thuốc điều trị ung thư hiện tại cũng hoạt động bằng cách thúc đẩy đáp ứng này, nhưng kết quả khả quan chỉ được ghi nhận ở một số ít bệnh nhân.

Sau khi quan sát các khối u được cắt bỏ từ khoảng 150 người bị ung thư thận, bàng quang hoặc tuyến tiền liệt, tiến sĩ Haydn Kissick đến từ Đại học Y Emory (Atlanta, Mỹ) và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ tế bào T - tế bào miễn dịch chống lại các khối u – xuất hiện nằm trong khoảng 0,002% đến hơn 20% trong tổng số tế bào.

Phát hiện “đội quân” của hệ miễn dịch ngay trong khối u - 1

Các tế bào T cũng phân bố ngẫu nhiên trong khối u, nhưng thường được tập trung lại thành các cụm, được ví như là “tiền đồn” của hệ miễn dịch. Các tiền đồn có chiều dài khoảng 0,1 milimet và nằm gần các mạch máu nhỏ dẫn vào khối u.

Qua phân tích, tiền đồn chứa các tế bào T chưa trưởng thành có thể nhân lên để tạo ra một nguồn cung cấp liên tục các tế bào miễn dịch mới. “Các tiền đồn liên tục tạo ra đội quân mới ngay bên trong khối u, để thay thế các tế bào T đã chết” – Tiến sĩ Kissick mô tả.

Điều thú vị là các tiền đồn còn có một loại tế bào miễn dịch thứ hai có khả năng thông báo cho tế bào T biết mục tiêu ung thư mà chúng cần phải tấn công. Cách hoạt động phối hợp này của các tiền đồn tương tự như hạch bạch huyết nhưng điểm khác là nó nằm ở ngay vị trí mà cuộc chiến giữa cơ thể và ung thư diễn ra.

Các hạch bạch huyết: Các nốt nhỏ hình hạt đậu ở những nơi như cổ và nách, là nơi các tế bào miễn dịch học cách chống lại các tác nhân xâm nhiễm như vi khuẩn, tế bào ung thư, bằng cách nhận diện các phân tử trên bề mặt của chúng.

Các tiền đồn này không thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Tuy nhiên, trong trường hợp khối u được cắt bỏ, những người có nhiều tiền đồn trong khối u này thì xác suất xuất hiện khối u thứ phát trong cơ thể sẽ thấp hơn.

“Điều này có thể là do các tế bào T đã học được cách nhận diện ung thư khi ở trong tiền đồn” – Đại diện nhóm tác giả phân tích.

Phát hiện “đội quân” của hệ miễn dịch ngay trong khối u - 2

Tế bào T

Ở bước tiếp theo, nhóm tác giả đang tập trung nghiên cứu xem liệu khối u có thể tiết ra hóa chất khiến các tiền đồn bị phá vỡ hay không. Nếu có, chúng ta có thể tìm cách vô hiệu hóa cơ chế này để bảo vệ chính đội quân miễn dịch trên chiến trường. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng tiến hành nghiên cứu giải pháp để điều khiển và kích thích sự phát phát triển của các tiền đồn này, như một giải pháp mới chống lại ung thư.

Minh Nhật

Theo NS