Phân tử nhỏ mở ra hướng mới chống lại ung thư tụy

(Dân trí) - Trong công cuộc tìm kiếm những phương pháp điều trị mới cần thiết cho ung thư tụy - căn bệnh hung hãn chết người với tỷ lệ sống thêm rất thấp - các nhà khoa học đang tìm kiếm những manh mối ở cấp độ phân tử.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy một phân tử nhỏ có tên là MIR506 có vẻ đóng một vai trò quan trọng trong số phận các tế bào ung thư tụy, và có thể mở ra một hướng mới để ngăn chặn sự phát triển và khả năng di căn của chúng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Autophagy - là công trình của nhóm nghiên cứu do Wei Zhang, giảng viên về ung thư tại Trung tâm Y tế Wake Forest Bustist ở Winston-Salem, NC, đứng đầu.

Đưa thêm một loại phân tử nhỏ vào các tế bào ung thư tuyến tụy đã ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và di căn.
Đưa thêm một loại phân tử nhỏ vào các tế bào ung thư tuyến tụy đã ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và di căn.

GS. Zhang và các đồng nghiệp cho rằng MIR506 có thể đóng một vai trò trong autophagy (tư thực - phân tử giúp kiểm soát một quá trình phức tạp của tế bào) và đặt giả thuyết là MIR506 có chức năng ức chế khối u ở PDAC bằng cách gây chết tế bào thông qua autophagy.

Để điều tra, nhóm đã nghiên cứu trên chuột nhắt được cấy mô khối u lấy từ bệnh nhân ung thư tụy trong khi mổ.

Khi đo được mức MIR506 ở chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng có lượng thấp hơn trong khối u tụy so với ở tuyến tụy bình thường.

Các xét nghiệm tiếp theo cho thấy thêm MIR506 vào các tế bào ung thư thí nghiệm đã ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và ngăn chặn chức năng của tế bào gây ra di căn - quá trình tế bào di cư từ khối u nguyên phát thành các khối u thứ phát ở mô lân cận và các bộ phận khác của cơ thể.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng MIR506 có vẻ phát huy tác dụng này thông qua autophagy. "MIR506 kích hoạt luồng autophagy trong tế bào PDAC", họ lưu ý. Kết quả là "chết tế bào do autophagy thông qua nhắm mục tiêu trực tiếp" của một chu trình tín hiệu được gọi là trục STAT3-BCL2-BECN1.

Nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của MIR506 như một chất ức chế khối u – có vẻ như phân tử này cũng phát huy tác dụng thông qua quá trình chết tế bào do autophagy. Các phát hiện từ nghiên cứu gợi ý một chiến lược sử dụng MIR506 để nhắm vào STAT3 trong điều trị PDAC.

"Ý nghĩa của phát hiện này đối với điều trị là rất quan trọng bởi vì chúng ta có thể đưa MIR506 trực tiếp vào tế bào ung thư tụy bằng các công nghệ như hạt nano và exosome.Hy vọng rằng điều này sẽ mang lại một hướng mới để chống lại loại bệnh ung thư chết người này", GS. Wei Zhang kết luận.

Nghiên cứu trước đây đã cho thấy một phân tử nhỏ gọi là MIR506 - một microRNA được sản sinh trong cơ thể người - hoạt động như một chất ức chế khối u trong nhiều loại ung thư và cải thiện hiệu quả của hóa trị liệu trong ung thư buồng trứng. Nó phát huy những tác dụng thông qua nhiều chu trình tín hiệu khác nhau.

Ung thư tụy là căn bệnh bắt đầu khi các tế bào bất thường phát triển trong tuyến tụy - một cơ quan nằm sau dạ dày sản sinh một số hoóc-môn và enzym. Khi tế bào phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát, chúng tạo thành khối u phát triển và lan rộng.

Loại ung thư tụy phổ biến nhất là ung thư biểu mô tuyến tụy (PDAC). PDAC thường bắt đầu ở các ống dẫn của tuyến tụy - những ống nhỏ dẫn men tiêu hóa tiết ra từ các tế bào ngoại tiết của cơ quan này vào ruột. Đây là loại ung thư hung hãn và chết người nhất trong tất cả các loại ung thư. Không may là chỉ có một số ít phương pháp điều trị hiệu quả ngoài phẫu thuật, và thậm chí lựa chọn này còn không phù hợp cho nhiều bệnh nhân.

Mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số các ca bệnh ung thư, ung thư tụy chiếm khoảng 7% tổng số tử vong do ung thư ở Mỹ, nơi ước tính sẽ có 53.670 được chẩn đoán bệnh và 43.090 người chết vì bệnh này vào năm 2017.

Autophagy giúp các tế bào "cân bằng các nguồn năng lượng" vào những thời điểm khủng hoảng - chẳng hạn như trong quá trình phát triển hoặc khi nguồn dinh dưỡng khan hiếm. Nó đóng một vai trò chủ chốt việc “dọn dẹp” tế bào, giúp loại bỏ các yếu tố không mong muốn như protein đứt gãy, các thành phần bị hư hỏng, và các mầm bệnh.

Mặc dù nói chung được xem là một cơ chế cho sự sống còn của tế bào, autophagy cũng có thể tham gia vào chết tế bào theo chương trình, và nghiên cứu mới xem xét cơ chế phân tử của autophagy trong tế bào ung thư tuyến tụy.

Cẩm Tú

Theo MNT