Phần lớn bà mẹ Việt chưa biết cách cho con ăn bổ sung, 50% trẻ thiếu vi chất thiết yếu

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của UNICEF cho thấy hơn 50% trẻ dưới 5 tuổi bị đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Thực hành bổ sung và dinh dưỡng của bà mẹ phần lớn chưa đầy đủ và phù hợp, khiến gánh nặng suy dinh dưỡng càng thêm nặng nề.

Ngày 16/10, tại Hà Nội Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2019: “Trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng”.

Theo đó, cứ ba trẻ em dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân- tương đương với khoảng hơn 200 triệu trẻ em. Cứ 3 trẻ từ sáu tháng đến hai tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não khiến trẻ có nguy cơ chậm phát triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.

Phần lớn bà mẹ Việt chưa biết cách cho con ăn bổ sung, 50% trẻ thiếu vi chất thiết yếu - 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện UNICEF ký cam kết ủng hộ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em Việt Nam.

Báo cáo này cũng cho thấy Việt Nam đang chịu gánh nặng về dinh dưỡng gồm thiếu dinh dưỡng, đói tiềm ẩn do thiếu vi chất dinh dưỡng thiếu yếu và thừa cân, béo phì.

Theo đó, thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Thực hành bổ sung và dinh dưỡng của bà mẹ số đông chưa đầy đủ và phù hợp, khiến gánh nặng suy dinh dưỡng càng thêm nặng nề.

Ngay từ giai đoạn đầu đời, nhiều trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Chế độ ăn không đầy đủ của bà mẹ dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc thừa cân khi mang thai và con của họ có nguy cơ bị nhẹ cân sơ sinh.

Hơn nữa, chế độ ăn trong giai đoạn ăn bổ sung cũng không đầy đủ. Điều tra dinh dưỡng cho thấy có đến 18% trẻ không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm và 36% không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.

Hậu quả là Việt Nam vẫn còn đến 24% trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi, hơn 50% trẻ bị đói tiềm ẩn và 6% trẻ bị thừa cân.

Tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tỷ lệ người thừa cân ở người trưởng thành tăng 12,% năm 2010 lên 17,5% năm 2015, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Phần lớn bà mẹ Việt chưa biết cách cho con ăn bổ sung, 50% trẻ thiếu vi chất thiết yếu - 2
Trong giai đoạn 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ cần được ăn bổ sung đa dạng các loại thực phẩm.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong những thập kỷ qua song suy dinh dưỡng mãn tính hay thấp còi vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận được. Và tỷ lệ thừa cân sẽ tăng”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ về thói quen ăn uống bất hợp lý của người Việt khi có tới 57% người Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của WHO. Trung bình mỗi người cũng tiêu thụ đến 9,4 gam muối mỗi ngày, cao gấp 2 lần so với khuyến cáo của WHO... Nước ta cũng đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, thứ 10 ở châu Á và thứ 29 trên thế giới.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu phải giảm bằng được các chỉ số yếu kém về dinh dưỡng. Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng. Đồng thời các đơn vị cần hợp tác chặt chẽ với chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tham khảo, nghiên cứu xây dựng và đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hợp lý về dinh dưỡng…

Theo UNICEF, chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD. Ngược lại, không được đảm bảo dinh dưỡng, thì ngay từ tấm bé, trẻ đã bị ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, thể chất, học lực… Hệ lụy về sau là năng suất lao động kém, dễ mắc bệnh tật, nghỉ hưu sớm, tuổi thọ thấp….

Nam Phương