Phải đau xót với chẩn đoán cuối cùng: Bệnh nặng xin về!

Chẩn đoán cuối cùng “bệnh nặng xin về” là một trong những chẩn đoán rất phổ biến hiện nay tại các bệnh viện.

Tại hội thảo Phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) năm 2015 vào cuối tuần qua tại TPHCM, BS Trần Hữu Luyện, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn BV Trung ương Huế, làm nhiều người giật mình. Ông nêu ra mệnh đề “chẩn đoán cuối cùng” đang diễn ra tại các BV là “BNXV - bệnh nặng xin về”. Ông cho rằng chẩn đoán BNXV phải được xem là sự thất bại và phải biết đau xót của tất cả y, bác sĩ làm công tác điều trị tại các BV, đặc biệt là trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.

“Phải xem đây là một thất bại trong y khoa nhưng hiện nay nhiều nơi không xem đó là thất bại mà nghĩ bệnh nhân xin về là không liên quan nữa, BV hết trách nhiệm nhưng chắc chắn xin về là tử vong!” - BS Luyện nhìn nhận.

Nghiên cứu tại BV Đa khoa Trung ương Huế (2012-2015), tỉ lệ tử vong và BNXV do nhiễm vi khuẩn đa kháng BV là gần 19%. Nguyên nhân gây nên tình trạng tử vong đứng đầu là do nhiễm khuẩn máu (chiếm hơn 32%), tiếp theo là nhiễm khuẩn hô hấp (31%)... Đặc biệt, nhiễm nhiều loại vi khuẩn đa kháng do nhiễm khuẩn BV tử vong rất cao.

“Cứ năm người nhiễm trùng BV thì có một người chết, ba người nhiễm khuẩn hô hấp thì có một người chết, ba người nhiễm trùng máu thì một người chết… Khi tôi báo cáo vấn đề này thì lãnh đạo BV thấy giật mình. Bởi lâu lâu mới thấy một trường hợp BNXV nhưng cuối năm thì con số quá lớn”, BS Luyện nói.

Tổng chi phí điều trị kháng sinh chung cho hơn 1.200 bệnh nhân nhiễm khuẩn BV này do vi khuẩn đa kháng thuốc là 14,3 tỉ đồng (trung bình một người gần 12 triệu đồng), một số tiền không nhỏ, trong khi bệnh nhân đa số thì nghèo.

Ông cho rằng không có nhiễm trùng BV thì không lo lắng sử dụng kháng sinh, không lo áp lực lao động, không lo tử vong. Ba vấn đề y tế hiện nay mà ông cho rằng khập khiễng, khiến nhiễm khuẩn BV, sử dụng kháng sinh bất hợp lý ngày càng gia tăng, không an toàn cho người bệnh.

Thứ nhất về lâm sàng, sự tiếp cận giữa kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý chất lượng chưa đồng bộ. Những hướng dẫn trong lâm sàng chỉ xuất phát từ trực quan mà không xuất phát từ chứng cứ khoa học. Thí dụ, bơm nước vào trong phổi bệnh nhân để hút ra, trong khi người làm kiểm soát nhiễm khuẩn cho rằng đây là việc làm nguy hiểm không thể chấp nhận được. Thứ hai, những chính sách như bố trí môi trường y tế chưa sát thực tế. Thí dụ, bệnh nhân quá tải nhưng BV tiếp tục nhận bệnh ồ ạt, không cân nhắc an toàn cho bệnh nhân. Thứ ba, đầu tư lệch hướng, tức không phải theo thực trạng bệnh nhân mà theo ý muốn của lãnh đạo BV.

Như vậy, chẩn đoán BNXV trong bối cảnh hiện nay không chỉ dừng lại ở thất bại của người làm công tác chuyên môn lâm sàng mà còn là thất bại của các nhà hoạch định chính sách, người làm lãnh đạo, quản lý ngành y tế. Và thất bại này nếu không giải quyết hợp lý thì chẩn đoán BNXV sẽ ngày càng phổ biến hơn. Người thiệt cuối cùng là bệnh nhân, dù tốn đến hàng trăm triệu đồng kháng sinh rồi nhưng chẳng sống về nhà được và thân nhân thì tự nhủ: “Trời kêu ai nấy dạ!”.

Theo Duy Tính

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm