1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phá thai bằng que dâu: Chuyện thật như đùa

Phá thai chỉ bằng câu niệm chú và một đoạn que dâu buộc chỉ đưa vào cơ thể của người phụ nữ” tưởng như đã là của một thời lạc hậu, xa xưa. Ấy vậy mà hôm nay, câu chuyện này vẫn còn hiện hữu, tái diễn ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Tư tưởng ấu trĩ

 

Chỉ trong 6 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Cao Phong, Hòa Bình đã xảy ra 2 vụ nhiễm độc, nhiễm trùng tử cung do hậu quả của việc phá thai bằng phương pháp đặt que dâu. Cả 2 trường hợp này đều phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh.

 

BS Bùi Xuân Thủy, Phó trưởng Khoa sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: Gần đây nhất (8/10), bệnh viện đã tiếp nhận ca cấp cứu chuyển tuyến. Bệnh nhân là chị Bùi Thị Nguyệt, 37 tuổi ở xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong). Chị Nguyệt nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ, có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc. Sau khi khám sơ bộ, các y, bác sĩ bệnh viện thấy tử cung của bệnh nhân có 1 que dâu dài khoảng 10cm chưa tiêu hủy và 1 đoạn dây thò ra bên ngoài, thai vẫn chưa ra. Để cứu tính mạng chị Nguyệt, các bác sĩ trong khoa đã thực hiện nạo vét tử cung, điều trị kháng sinh trong vòng 1 tuần, đến khi sức khỏe bệnh nhân ổn định mới cho xuất viện.

 

Khi sự việc đã “nhỡ nhàng”, chị Nguyệt tỏ ra ân hận chỉ vì nhận thức không đầy đủ mà chị đã tự chuốc họa. Theo chị thì “vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thai đã 4 tháng, muốn đến cơ sở y tế an toàn thì lại lo không có đủ tiền nên khi nghe người mách có bà lang phá thai bằng phương pháp dân gian, không đau đớn gì lại ít tốn kém nên đã quyết định tìm đến”.

 

Đã có 4 đứa con nên khi tiếp tục bị “vỡ kế hoạch” được hơn 4 tháng, chị Bùi Thị Nhiển, 36 tuổi, công dân của làng văn hoá Trang Trên 2, xã Tân Phong (Cao Phong) đã tìm đến phương thuốc dân gian để phá thai. Hôm chị đi và ngày chị trở về, chẳng ai trong làng hay biết. Chỉ đến 4 ngày sau, chị được người nhà đưa ra bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu do bị băng huyết, sót rau và mất máu nhiều, tin dữ mới lan truyền trong làng. Trong lúc nguy cấp, để cứu tính mạng của chị Nhiển, Bệnh viện đa khoa huyện Cao Phong đã chuyển chị lên tuyến tỉnh - nơi có đủ khả năng xử trí các hội chứng nhiễm độc, nhiễm trùng và điều trị tích cực.

 

Vì sao vẫn tồn tại “lang băm”?

 

Thật khó thống kê trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn có bao nhiêu ông lang, bà lang hành nghề chữa bệnh, nạo phá thai trái phép? Bởi lẽ, những ông lang, bà lang này hành nghề một cách lén lút, bí mật. Thêm vào đó là việc tiếp cận, khai thác thông tin từ người tìm đến họ cũng không dễ dàng gì. Đơn cử như vụ việc xảy ra cách đây 4 năm tại huyện Yên Thủy. Một phụ nữ bị thiệt mạng vì phá thai bằng que dâu nhưng cho đến khi chết, người nhà nạn nhân vẫn không hé lộ cơ sở phá thai. Năm 2006, cũng ở huyện Yên Thủy, một nạn nhân của việc phá thai bằng que dâu đã buộc phải cắt bỏ tử cung, sức khỏe suy sụp trong một thời gian dài. Tuy nhiên trong suốt quá trình điều trị ở bệnh viện, phối hợp điều tra của các ngành chức năng, nạn nhân vẫn một mực không khai ra thủ phạm gây hoạ cho mình.

 

Giống như những nạn nhân trên, khó có thể khai thác được điều gì từ chị Nhiển và chị Nguyệt. Họ thường trả lời rất mơ hồ rằng họ phá thai ở Chăm Mát (thành phố Hòa Bình), huyện Lạc Sơn... Nhưng cụ thể ra sao, ai là người trực tiếp làm thì họ không nhớ!? Một số ý kiến khẳng định rằng, sở dĩ nạn nhân không dám tố cáo kẻ hại mình là bởi vì trước khi phá thai, họ phải thề độc không nói ra với bất kỳ ai. Nếu nói ra, người thân trong gia đình họ sẽ gặp họa.

 

Ông Phạm Ngọc Tùng, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Hòa Bình cho biết: Cũng vì nạn nhân khai mơ hồ đó mà các ngành chức năng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, kết luận, khó tìm ra chứng cớ giải quyết sáng tỏ vụ việc. Trước đây, ở Lạc Sơn có bà lang Tình (Bùi Thị Ẻ) phá thai bằng que dâu đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các ngành chức năng của tỉnh Hoà Bình đã nhiều lần phối hợp giải quyết nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định bà Tình còn hành nghề nữa hay không. Trung tâm Y tế huyện Cao Phong đã phối hợp với huyện Lạc Sơn và thành phố Hòa Bình để tìm hiểu, điều tra những ông lang, bà lang vẫn lén lút hành nghề.

 

Thực tế trên cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những ông lang, bà lang hành nghề nạo phá thai trái phép. Tư tưởng lạc hậu và nhận thức hạn chế vẫn còn tồn tại trong một bộ phận chị em phụ nữ. Lẽ ra phải được chối bỏ ngay từ đầu thì một số phụ nữ chỉ vì sợ xấu hổ với xóm làng, đã bất chấp nguy hiểm tìm đến cách phá thai bằng que mà chỉ nghe nói thôi đã đủ rùng mình. Hậu quả là vụ việc vỡ lở, sức khỏe và tính mạng của bản thân bị đe doạ, “tiền mất, tật mang”. Với vai trò, chức năng của ngành y tế, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, góp phần làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức của chị em một số nơi vùng sâu, vùng xa trong CSSKSS, thực hiện KHHGĐ và phá thai an toàn.

 

Theo Bùi Minh

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm