Phá án từ hình ảnh phản chiếu trên võng mạc

(Dân trí) - Có thể nhận diện khuôn mặt của những người đứng ngoài khung hình từ hình ảnh phản chiếu trên mắt của người được chụp ảnh, phát hiện này một ngày nào đó có thể giúp phá những vụ án hình sự.

Phá án từ hình ảnh phản chiếu trên võng mạc

Có thể nhận diện khuôn mặt của người khác từ hình ảnh phản chiếu trong mắt của người được chụp ảnh, phát hiện này một ngày nào đó sẽ giúp giải quyết những vụ án hình sự.

 

Đôi mắt không chỉ là tấm gương phản chiếu tâm hồn mà còn là tấm gương phản chiếu thế giới xung quanh. Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Anh đã phát hiện ra rằng hình ảnh kỹ thuật số độ phân giải cao hiện nay “nét” đến mức họ có thể phóng to đôi mắt trên ảnh chụp và thu được những hình ảnh của những người đứng ngoài khung hình được phản chiếu trên võng mạc của người trong ảnh.

 

Kết hợp điều này với thực tế là con người có khả năng nhận diện khuôn mặt rất tốt, ngay cả từ những bức hình kém chất lượng, là ta đã có một nguồn thông tin quý giá để giải quyết các vụ án.

Trước đây, giả định này được xem là có cơ sở nếu bạn là người cầm máy, do đó bạn sẽ không nằm trong bức ảnh.

 

TS. Rob Jenkins, khoa Tâm lý Trường Đại học York cho biết “Đồng tử của mắt giống như một tấm gương đen. Để tăng hình ảnh, bạn phải thu nhỏ và điều chỉnh độ tương phản. Hình ảnh khuôn mặt tìm ra được từ hình ảnh phản chiếu trong mắt của một người sẽ nhỏ hơn khoảng 30.000 lần so với khuôn mặt của chính người đó”.

 

Trong nghiên cứu, ông đã cùng với cộng sự là Christie Kerr, khoa Tâm lý Trường Đại học Glasgow, đã thu nhỏ ảnh chụp kiểu hộ chiếu độ phân giải cao và lấy được hình ảnh khuôn mặt của những người đứng ngoài từ hình ảnh phản chiếu trong mắt của người được chụp.

 

Mặc dù độ phân giải của hình ảnh thu được khá thấp (một số trong đó chỉ rộng 27 pixels), song những người quan sát vẫn có thể xác định chính xác những người đứng ngoài đó là ai.

 

Khi cho những người quan sát xem ảnh để đối chiếu khuôn mặt, họ có thể nhận diện được khuôn mặt người lạ trong 71% số lần và khuôn mặt người quen trong 84% số lần.

 

Trong một thử nghiệm khác, những người quan sát có thể gọi tên chính xác một khuôn mặt người quen từ hình ảnh phản chiếu trong mắt có độ phân giải thấp.

 

Nghiên cứu cho thấy khả năng ứng dụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự.

 

Ví dụ, việc phân tích hình ảnh phản chiếu trong mắt của các nạn nhân bị chụp ảnh trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em hoặc bị bắt cóc, hay hình ảnh của những người lấy ra từ các camera được dùng làm bằng chứng điều tra, có thể cung cấp manh mối rất quan trọng về những kẻ đột nhập hay đồng phạm của chúng, hay mối liên quan giữa những kẻ đó với địa điểm nhất định.

 

Cẩm Tú

Theo MedicalNewsToday